Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 13/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)


Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 26/4, thế giới đã ghi nhận 147.768.496 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.122.001 ca tử vong.

Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 32.824.013 ca nhiễm và 586.148 ca tử vong.

Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 17.306.300 ca trong đó có 195.148 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 390.925 ca trong số hơn 14,3 triệu ca nhiễm.

Xét theo khu vực, châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã có hơn 43,9 triệu ca nhiễm và hơn 998.000 ca tử vong. Tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với 37.962.081 ca nhiễm và 855.552 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 37.042.074 ca nhiễm và 495.503 ca tử vong.

Tại châu Âu, Pháp có số ca nhiễm cao nhất (hơn 5,4 triệu ca) trong khi Anh có số ca tử vong cao nhất (127.428 ca). Sau Pháp, Nga và Anh hiện có hơn 4,4 triệu ca nhiễm, trong khi Italy, Tây Ban Nha và Đức đều đã hơn 3,2 triệu ca.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết những công dân Mỹ đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 có thể tới châu Âu trong mùa Hè này, qua đó nới lỏng những hạn chế đi lại hiện hành.

Theo Chủ tịch EC, biện pháp này sẽ giúp tạo ra sự tự do đi lại và du lịch tới EU, dù không cho biết cụ thể khi nào hoạt động này sẽ được nối lại. Từ hơn 1 năm qua, EU đã hạn chế phần lớn các hoạt động đi lại không cần thiết.

Tuy nhiên, trong tháng 4 này, các nước EU đã nhất trí nới lỏng hạn chế, cho phép những người đã được chủng ngừa, khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại dễ dàng hơn.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer cho người dân tại Guadalajara, bang Jalisco, Mexico ngày 21/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Tại châu Mỹ, Argentina và Colombia đã ghi nhận hơn 2,7 triệu ca nhiễm, trong khi Mexico có hơn 2,3 triệu ca và Canada đã có 1,1 triệu ca.

Tại châu Á, tình hình ở Ấn Độ đang rất đáng lo ngại. Ngày 25/4, nước này đã trải qua 4 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, ngày sau cao hơn ngày trước và số ca tử vong theo ngày cũng liên tục lên mức cao mới, với 349.691 ca mắc mới và 2.767 ca tử vong ngày 25/4.

Trước tình hình này, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ ngay lập tức cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo hộ y tế có sẵn cho Ấn Độ.

Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp ra thông báo cho biết sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ hệ thống máy trợ thở trong những ngày tới. Trước đó, Chính phủ Anh cho biết sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy trợ thở, tới Ấn Độ.

Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm của châu lục hiện là 4.544.512 ca, trong đó, Nam Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1.575.471 ca nhiễm và 54.148 ca tử vong.

Theo Vietnamplus