Một quán bar đóng cửa khi các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Sestriere, Italy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Ngày 31/3, Chính phủ Italy đã thông qua một sắc lệnh, theo đó gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng chống đại dịch COVID-19 tại nước này đến hết tháng Tư, trong đó có việc đóng cửa các nhà hàng, cửa hàng và bảo tàng.

Thủ tướng Italy Mario Draghi cho hay nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu cải thiện và tiến trình tiêm vaccine khả quan, chính phủ sẽ cân nhắc nới lỏng những biện pháp mới.

Theo sắc lệnh mới, các trường học ở cấp thấp hơn được phép mở cửa trở lại và nhân viên y tế phải tiêm vaccine.

Chính phủ sẽ có biện pháp can thiệp trong trường hợp nhân viên y tế từ chối tiêm vaccine, trong đó có việc luân chuyển công tác và ngừng chi trả lương.

Chính phủ Italy đã áp đặt các biện pháp phòng dịch mới từ ngày 15/3 vừa qua tại 75% lãnh thổ. Nước này đã ghi nhận 23.904 ca mắc mới và 467 ca tử vong trong ngày 31/3. Tổng số bệnh COVID-19 tại Italy hiện là 3.584.899 ca, trong đó có 109.346 người đã tử vong.

Cùng ngày, một tòa án tại Bỉ đã ra phán quyết yêu cầu chính phủ nước này, trong vòng 30 ngày, phải điều chỉnh lại luật phòng dịch hoặc nếu không, tòa sẽ vô hiệu hóa một số biện pháp phòng dịch.

Phán quyết này được đưa ra sau khi tổ chức Liên minh Nhân quyền của Bỉ đệ đơn kiện phản đối các biện pháp siết chặt phòng dịch bệnh của chính phủ.

Tuy nhiên, Chính phủ Bỉ đã ra thông báo phản đối phán quyết trên, đồng thời khẳng định một số quy định pháp lý đã cho phép áp dụng các biện pháp phòng dịch này.

Ngoài Bỉ, tại một số nước như Hà Lan và Đức cũng đã bùng phát các tranh cãi pháp lý liên quan đến biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Tại Bỉ, các bộ được phép ban hành các biện pháp siết chặt và phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 thông qua sắc lệnh mà không cần được quốc hội phê chuẩn.

Bỉ đang trong làn sóng dịch thứ 3, buộc giới chức phải đóng cửa trường học, khu vực biên giới và hạn chế người dân tới các cửa hàng không cần thiết.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo, Chính phủ Thụy Điển khẳng định sẽ không sớm nới lỏng các biện pháp phòng dịch hiện nay như kế hoạch trước đó.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết tỷ lệ lây nhiễm tại nước này đang ở mức rất cao và xu hướng này đang lan rộng tại nhiều khu vực, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế. Do vậy, các biện pháp phòng dịch sẽ vẫn được thực thi thêm một thời gian nữa.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại một viện dưỡng lão ở Nykoping, Thụy Điển, ngày 27/12/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Theo giới chức y tế, trong hai tuần qua, hai vùng ở Thụy Điển ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm vượt mức 1.000 ca/100.000 dân.

Cơ quan Y tế cộng đồng của Thụy Điển cho biết sớm nhất là đến ngày 3/5 tới, chính quyền mới nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch như đóng cửa cửa hàng, quán bar, phòng tập gym và cửa hàng.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Thụy Điển đã ghi nhận 804.886 ca mắc, trong đó có 13.465 ca tử vong. Trong hai ngày qua, nước này đã ghi nhận 8.441 ca mắc mới.

Tính đến ngày 31/3, hơn 1,12 triệu người tại Thụy Điển, tương đương 13,7% dân số, đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và 486.038 người tiêm đã tiêm đủ hai mũi.

Tại Hy Lạp, chính phủ nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại hầu hết các cửa hàng và nới lỏng các biện pháp phòng dịch bất chấp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vẫn ở mức cao.

Theo quyết định mới, tất cả cửa hàng, ngoại trừ trung tâm thương mại, sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 5/4 tới.

Người dân được di chuyển bằng ôtô trên quãng đường ngắn trong ngày cuối tuần, tham gia các hoạt động ngoài trời với nhóm không quá 3 người.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Hy Lạp ghi nhận 3.600 ca mắc mới và 76 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Cho tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 263.689 ca mắc, trong đó có 8.093 ca tử vong.

Theo Vietnamplus