Mọi chuyện bắt đầu vào mùa hè năm nay, khi The Flash của vũ trụ siêu anh hùng DC và phần mới nhất của loạt phim Indiana Jones bất ngờ thất bại về doanh thu. Tác phẩm siêu anh hùng chỉ thu được khoảng 268 triệu USD trên toàn cầu, trong khi chi phí sản xuất đã là 220 triệu USD.
Điều tương tự cũng xảy ra với Indiana Jones, bởi chỉ thu về khoảng 390 triệu USD, trong khi kinh phí đầu tư đến 300 triệu USD. Nhiều nhà phân tích cho rằng doanh thu thường phải đạt được gấp đôi chi phí đầu tư, thì các tác phẩm mới chạm đến điểm hòa vốn.
|
The Flash bất ngờ thất bại về doanh thu |
Nguyên nhân của những thất bại này cũng dễ hiểu, khi trào lưu franchise (loạt phim có chung thương hiệu nhưng được triển khai thành nhiều phần riêng) đang dần thoái trào. Một thập kỷ trước có thể là thời hoàng kim của những tác phẩm thuộc vũ trụ siêu anh hùng, nhưng sự phái sinh và sản sinh liên tục quá nhiều nhân vật và motif gần như giống nhau, khiến cho công chúng ngày càng ngán ngẩm.
Còn với Indiana Jones, thay vì làm phần phim mới để tiếp cận khán giả trẻ, nhà sản xuất lại triển khai tiếp từ các phần phim vốn đã xuất hiện từ những năm 1980.
Tuy không có mối tương quan mang tính nhân quả, nhưng sự thất bại của những tác phẩm giải trí lại được tiếp nối bằng sự thành công bất ngờ của một tác phẩm thuộc dòng art-house (phim nghệ thuật) vốn kén khán giả là Oppenheimer của Christopher Nolan.
Tác phẩm trên chỉ có chi phí đầu tư 100 triệu USD nhưng lại thu được gần 950 triệu USD trên toàn thế giới. Đây là bất ngờ lớn, khi là phim có tỷ lệ doanh thu trên mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của đạo diễn Christopher Nolan.
Thành công của Oppenheimer rất khó đoán trước, có thể lý giải phần nhiều đến từ hiệu ứng truyền miệng. Ngay tại Việt Nam, tác phẩm của Nolan cũng có doanh thu ấn tượng với gần 37 tỷ VNĐ, khá cao so với rất nhiều tác phẩm phim nghệ thuật ra mắt trước đó. Đây là thành tích gần như không tưởng, nếu xét đến thời lượng gần 3 giờ đồng hồ và thể loại nặng tính tiểu sử của tác phẩm này.
|
Màn ra mắt hiếm hoi của dàn diễn viên phimVầng trăng máutại LHP Cannes |
Tuy vậy, thành công nói trên không thể tạo ra làn sóng lan đến Vầng trăng máu của đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese. Tính đến nay, tác phẩm trên chỉ thu vỏn vẹn 80 triệu USD trên toàn thế giới, khi khoản kinh phí ở mức 200 triệu USD.
Điều này có phần “kỳ lạ”, bởi so với Oppenheimer, nội dung nặng tính bi kịch với yếu tố kỳ bí – phá án trong Vầng trăng máu có nhiều khả năng được ưa chuộng hơn tác phẩm đơn thuần mang tính tiểu sử. Có cùng thời lượng dài hơn 3 tiếng, nhưng kết quả gần như trái ngược của 2 bộ phim đã cho thấy xu hướng đến rạp của khán giả ngày càng khó đoán, và không có công thức nào có thể đo lường chính xác cho sự thành công.
Cuộc đình công ở Hollywood vẫn còn nhiều hệ luỵ
So vớiOppenheimer, tuy được đánh giá là dễ xem và có dàn diễn viên quen thuộc hơn với khán giả đại chúng, thế nhưngVầng trăng máucủa đạo diễn Martin Scorsese vẫn phải ngậm ngùi chứng kiến doanh thu trên toàn thế giới giảm sút nhanh chóng sau tuần thứ 2 ra mắt.
Lý giải cho kết quả trái ngược này, thì cuộc đình công của Hiệp hội Diễn viên màn ảnh (SAG-AFTRA)là một trong những nguyên nhân chính yếu.
Những tên tuổi lớn như Robert De Niro, Leonardo DiCaprio… đều vắng bóng trên các sân khấu quảng bá tác phẩm, do cuộc đình công vẫn đang diễn ra khi phim ra mắt.
Cả đoàn làm phim đã có một màn xuất hiện tại LHP Cannes, thế nhưng cũng kể từ đó không có cuộc phỏng vấn hay lần xuất hiện trên truyền hình nào để những người có sức ảnh hưởng có dịp quảng bá. Đây là cách các ê-kíp thường sử dụng để duy trì, tăng cường sức nóng cho bộ phim, giữ ổn định nhịp tiêu thụ của phòng vé.
Trong khi Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA) đã có được những đàm phán cuối cùng với Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP) vào cuối tháng 9, thì các thỏa thuận của SAG-AFTRA chỉ vừa đạt được vào cuối tuần này. Đối với WGA, họ đã đồng ý các thỏa thuận về thù lao cũng như trí tuệ nhân tạo vẫn sẽ được quyền hỗ trợ sáng tạo, nhưng phải đảm bảo số lượng nhân sự tối thiểu ở khâu biên kịch.
Theo các nguồn tin đã được công bố, AMPTP đã đưa ra những điều khoản mà họ gọi là “tốt nhất có thể” và sẽ “không đàm phán thêm”. Nhận được 86% số phiếu thông qua ở Uỷ ban quốc gia của AFTRA-SAG, Hiệp hội cho biết mình đã giành được những thỏa thuận mới trong cuộc đấu tranh vừa qua.
Trong đó, một quỹ chi trả trị giá 40 triệu USD mỗi năm sẽ được các hãng phim lớn ở Hollywood thêm vào để trả lương cho các diễn viên có tác phẩm được đưa lên nền tảng phát trực tuyến. Các vai diễn da màu cũng được đảm bảo sẽ có nguồn kinh phí để khắc họa đúng các nhân vật này, khi trước đây họ thường bị ép hóa trang không đúng tính chất nhân vật.
Ngoài ra, cũng có những sự cải thiện về điều kiện chăm sóc y tế, yêu cầu phải có thêm người điều phối ở những cảnh thân mật có liên quan đến khỏa thân, cũng như các hạn chế mới nhất về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI. Và tuy không đạt được cam kết về việc chia sẻ doanh thu với các nền tảng phát trực tuyến ở mức 2%, nhưng thành tích này cũng giúp xoa dịu tình hình căng thẳng.
Dù vậy, mùa cao điểm hè 2024 vẫn sẽ thiếu vắng khá nhiều tác phẩm, vì các thỏa thuận đến tương đối muộn.
|
Theo phụ nữ TPHCM