Điện ảnh Việt đoạt giải tại liên hoan phim quốc tế: Sau tự hào là…?
Cập nhật lúc 23:58, Thứ tư, 31/05/2023 (GMT+7)
Thông tin đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng và đạo diễn Phạm Thiên Ân được vinh danh tại Liên hoan phim Cannes 2023 rạng sáng 28/5 đã làm nức lòng người yêu điện ảnh Việt. Thế nhưng sau các giải thưởng đó, điện ảnh Việt phải làm gì để có thể tiếp tục phát triển, khẳng định mình với thế giới?
Việc Bên trong vỏ kén vàng của nhà làm phim Phạm Thiên Ân (34 tuổi) nhận được giải Camera d’Or (Camera vàng) - giải thưởng danh giá dành cho phim đầu tay xuất sắc tại Cannes - là điều rất đáng hãnh diện và là cú hích cho những nhà làm phim độc lập Việt Nam. Bởi anh đã kể một câu chuyện Việt Nam, bằng tiếng Việt với thế giới. Nó gợi nhớ đến thời điểm 30 năm trước, khi đạo diễn Trần Anh Hùng lần đầu tiên nhận giải thưởng này tại Cannes với Mùi đu đủ xanh.
Với giải thưởng của Trần Anh Hùng, nhiều tranh luận đã nổ ra vì vị đạo diễn này chỉ có “gốc Việt”, bộ phim giúp anh đoạt giải Đạo diễn xuất sắc là phim nói tiếng Pháp. Thực sự, sự phấn khích ở cộng đồng điện ảnh Việt chính vì sức ảnh hưởng và tấm lòng của Trần Anh Hùng với nhiều thế hệ làm phim Việt Nam.
|
|
Bên trong vỏ kén vàng - bộ phim được trao giải Camera d’Or (Camera vàng) tại Cannes 2023 - Ảnh: IMDB |
Nhiều năm nay, anh đã cùng vợ - diễn viên Trần Nữ Yên Khê - thường xuyên đi về giữa Pháp và Việt Nam, chia sẻ về kinh nghiệm làm phim cũng như hỗ trợ cho rất nhiều nhà làm phim trẻ, đặc biệt là các nhà làm phim độc lập. Nhiều cái tên đã thành danh và đang miệt mài ở thị trường phim quốc tế đều được Trần Anh Hùng hỗ trợ, truyền cảm hứng, thậm chí tư vấn giúp sức trong quá trình làm phim qua chương trình Gặp gỡ mùa thu (đến nay đã hơn 10 năm).
Có thể kể những cái tên như: Trần Thanh Huy (phim Ròm), Nguyễn Phương Anh (phim Vợ ba), Phạm Ngọc Lân với rất nhiều phim ngắn thành công như Một thành phố khác, Culi không bao giờ khóc, Mekong 2030… hay Nguyễn Hoàng Điệp. Sự kiên trì và bền bỉ đó của Trần Anh Hùng hiếm ai làm được. Đó là thứ tình cảm thuần khiết, phi vụ lợi, đến và đi đều bắt nguồn từ tình yêu điện ảnh, tấm lòng với điện ảnh Việt, thầm lặng, không đao to búa lớn. Trần Thanh Huy từng chia sẻ, cuộc gặp với Trần Anh Hùng đã cho anh thấy ánh sáng sau một khoảng thời gian dài anh loay hoay với bản dựng của Ròm.
Điều đáng băn khoăn là, phía sau những bộ phim đoạt giải, nguồn vốn hỗ trợ phần lớn đều từ các quỹ nước ngoài hoặc hiếm hoi là các quỹ từ cộng đồng điện ảnh độc lập của Việt Nam. Chẳng hạn, kịch bản phim Vợ ba của đạo diễn trẻ Nguyễn Phương Anh đoạt giải của “Quỹ sản xuất Spike Lee” (một nhà làm phim nổi tiếng tại Hollywood) và lọt vào danh sách “NYC Purple List 2015” dành cho những kịch bản phim tốt nhất do sinh viên tốt nghiệp viết. Nhờ vậy đạo diễn mới có tiền làm phim. Phim sau đó đã thắng giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) tại Gặp gỡ mùa thu 2015 và giải Grand Prix tại Hong Kong Asia Film Forum 2016. Ngay như bộ phim mới nhất, đậm căn tính Việt nhất là Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân thì kinh phí làm phim cũng do Ủy ban Điện ảnh Singapore, hãng Purin Pictures, Normandie Images và Hubert Bals Script & Development Scheme tài trợ, ê kíp Việt Nam hợp tác với phía Singapore sản xuất.
Với điện ảnh Việt, hiện các giải thưởng phát hiện tài năng trẻ liên quan đến phim ảnh cũng đều do một số công ty nước ngoài phát động và tổ chức.
|
|
Đạo diễn Trần Anh Hùng- người có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ làm phim Việt Nam |
Bài toán về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được đặt ra từ mấy chục năm về trước, đến nay vẫn tiếp tục loay hoay chưa có lời giải, các nhà làm phim độc lập phải tự bươn chải. Họ chọn phim ảnh nên tất nhiên là phải tự mình tìm đường hướng phát triển. Nhưng nếu Việt Nam có quỹ hỗ trợ, chắc chắn cánh cửa đầu tiên họ gõ không phải là một quỹ nào đó ở các nước trong khu vực hay trên thế giới.
Từ Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc…, có thể thấy không có nền điện ảnh nào có thể phát triển vững mạnh nếu phía sau không có sự hỗ trợ từ chính phủ, từ cơ chế cho đến các nguồn quỹ. Tại những hội thảo về điện ảnh, các cơ quan quản lý đã không ít lần lấy điện ảnh Hàn Quốc làm ví dụ cho sự phát triển, vậy tại sao chúng ta không học hỏi mô hình hoạt động quỹ hỗ trợ văn hóa của họ, trước nhất là với điện ảnh?
Làn sóng Hallyu (hâm mộ văn hóa Hàn Quốc) lan tỏa toàn cầu, phim Hàn đạt được những giải thưởng danh giá nhất khiến thế giới ngưỡng mộ, có những bộ phim đạt doanh thu tỉ USD, tất cả không xuất phát từ nỗ lực của một vài cá nhân. Nó có sự hậu thuẫn lớn từ chính phủ trong việc hoạch định nguồn quỹ và cơ chế vận hành. 500 triệu USD đã được Chính phủ Hàn Quốc dành cho mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy phát triển văn hóa từ những năm 1990.
Việt Nam có điều kiện khác với Hàn Quốc về nguồn lực. Dù vậy, chúng ta vẫn cần phải nhanh chóng tạo ra các cơ chế để huy động nguồn lực từ Nhà nước và xã hội hỗ trợ cho các nhà làm phim, khi chúng ta đã có những tài năng được quốc tế công nhận, cơ hội phát triển điện ảnh Việt đang mở ra.
Theo phụ nữ TPHCM