leftcenterrightdel
 Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam Subhash P. Gupta phát biểu khai mạc diễn đàn "Kết nối văn hoá giữa Ấn Độ và Việt Nam".

Ngày 18/10, Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Hội phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN (VASEAN) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kết nối văn hóa Việt Nam - Ấn Độ”, tại Trung tâm văn hoá Swami Vivekamanda. Đây là sự kiện nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập của Ấn Độ và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ.

Phát biểu tại sự kiện, ông Subhash P. Gupta, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Trong quá trình giành độc lập, hai nước đã gắn bó chặt chẽ bằng tình đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống thực dân, vì độc lập của mỗi nước và bằng tình cảm thắm thiết giữa các vị lãnh tụ của hai dân tộc là Hồ Chí Minh, M.K Gandhi, Jawaharlal Nehru.

Tại Kolkata, sinh viên khi ấy đã hô vang khẩu hiệu “Amar nam, tomar nam, Viet Nam Viet Nam” (Tên anh, tên tôi, tên chúng ta đều là Việt Nam, Việt Nam) đã trở thành biểu tượng cho sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Việt Nam đến tận ngày nay.

Ông Subhash P.Gupta nhấn mạnh, Ấn Độ đặc biệt coi trọng việc tăng cường gắn kết văn hóa với Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và Mekong–Sông Hằng ngoài các hoạt động song phương. Bên cạnh đó, những mối quan tâm và nguyện vọng chung của hai dân tộc là nền tảng cho các mối quan hệ của hai nước trên nhiều lĩnh vực. Điều này đã được phản ánh trong đại dịch Covid-19, khi cả hai nước cùng hỗ trợ nhau trong thời gian khó khăn nhất.

Văn hóa, thương mại và kết nối là ba trụ cột quan trọng góp phần nâng cao hơn nữa sức mạnh tổng hợp giữa hai quốc gia. Hai nước đã tạo nên một diện mạo mới thông qua hoạt động giao lưu thanh niên, thể thao, quảng bá du lịch, tăng cường kết nối hàng không, điện ảnh, yoga và y học cổ truyền. Đặc biệt, sau khi thiết lập đường bay thẳng giữa các địa phương, hoạt động giao lưu nhân dân và du lịch đã tăng lên đáng kể.

Mặt khác, vì mối quan hệ văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người nên các lĩnh vực hợp tác của hai nước trong tương lai có thể kể tới việc sản xuất phim tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp thúc đẩy du lịch giữa hai nước khi Bollywood đã và đang thu hút du lịch trên toàn thế giới.
leftcenterrightdel
Màn trình diễn múa Kathak "Ganesh Vandana" do nghệ sĩ trình diễn Sohini Chattopadhayay thực hiện. 

Theo ông Subhash P. Gupta Từ hàng thiên niên kỷ nay, người Ấn Độ đã có niềm tin sâu sắc vào Vasudhaiv kutumbkam (mang nghĩa: thế giới là một gia đình). Vào năm 2016, trong chuyến thăm tới chùa Quán Sứ, Thủ tướng Narendra Modi đã nói rằng, Ấn Độ tin tưởng vào Phật, vào những chính sách mang tính trí tuệ và giác ngộ chứ không phải các chính sách chiến tranh. “Chúng tôi đến đây với một thông điệp hòa bình đã trường tồn qua thời gian", ông nói thêm.

Ngài Đại biện cũng trích dẫn câu nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ca ngợi quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là “mối quan hệ trong sáng như bầu trời xanh không một gợn mây”.

Tại sự kiện, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, mối quan hệ của Ấn Độ và Việt Nam đã kéo dài hai thiên niên kỷ, kể từ những ngày đầu phát triển của hai nền văn minh và văn hóa gắn liền với giá trị của Phật giáo, sử thi Ramayana và tình cảm gia đình.

Chính sự khát khao về sự thịnh vượng đã thôi thúc các thương nhân Ấn Độ khám phá các điểm giao thương mới ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đó là một hành trình tiếp biến văn hóa được bắt đầu từ các hoạt động thương mại ngày càng gia tăng và sự tiếp xúc giữa các khu vực này từ thời xa xưa.

Các thương nhân trên biển của Ấn Độ đã có ảnh hưởng đến việc thành lập và phát triển mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ của vương quốc Champa ở miền Trung Việt Nam. Ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ thể hiện rõ ở những ngôi đền Chăm đã vượt qua thách thức của thời gian và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Dấu tích của khoảng 200 ngôi đền Hindu nằm rải rác ở Việt Nam là một câu chuyện sống động về mối liên kết văn minh của hai nước. Trong đó, kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn có nét tương đồng lớn với kiến trúc đền tháp tại Ấn Độ. Một số trong số các đền tháp này đang được phục hồi với sự giúp đỡ của Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học của Ấn Độ.

Giao lưu văn hóa giữa hai nước cũng đã đạt được những tầm cao mới thông qua sự hợp tác trong các dự án bảo tồn khảo cổ học đối với một số di sản ở Việt Nam.
leftcenterrightdel
 Diễn đàn thu hút nhiều người quan tâm và yêu mến nền văn hoá Ấn Độ.

Bên cạnh đó, những đặc điểm nổi bật của mỹ thuật, múa, âm nhạc, hội họa, điêu khắc và thủ công mỹ nghệ cũng thể hiện rõ mối liên hệ văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam. Các bức chạm khắc thời kỳ Champa mô tả các sự kiện trong Ramayana và thần thoại Ấn Độ. Việc mô tả các nhạc cụ cũng phản ánh ảnh hưởng của âm nhạc Ấn Độ.

Ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, vở Riềm Kê được biểu diễn dưới hai loại hình nghệ thuật là Rô Băm và Dù Kê do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn. Vở kịch múa nổi tiếng này dựa trên sử thi Ramayana (Ramleela).

Ngoài những nét tương đồng văn hóa cũng như tình cảm hữu nghị giữa hai dân tộc, Yoga là một trong những “di sản” được phổ biến và nhận được yêu thích của người Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo baoquocte