Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và T.Ư Đoàn tặng hoa cho các trí thức trẻ Việt Nam - NGỌC DƯƠNG
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2020 có rất nhiều tham luận, kiến nghị, mô hình, ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu mong muốn đất nước phát triển trong những năm tới.
Mọi ngả đường hướng về tổ quốc...
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng thế giới ngày nay là thế giới của tri thức và đổi mới sáng tạo. Trên thế giới, mỗi trí thức trẻ là một phần hình ảnh đại diện cho Việt Nam, cho thương hiệu trí thức trẻ Việt Nam: năng động, sáng tạo, hòa nhập và nghĩa tình. Những năm gần đây Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu, tuy nhiên cần có một khát vọng lớn hơn, đó là chúng ta phải tìm một vị thế lớn trên thế giới.
“Đó là động lực thúc đẩy hằng ngày, hằng giờ để mỗi trí thức trẻ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ở nhiều nơi khác nhau đã và đang không mệt mỏi cống hiến, tận dụng mọi cơ hội vượt qua thử thách, vượt qua chính mình để đạt được những thành công như chúng ta mong muốn. Đất nước cũng như TP.HCM đang kỳ vọng và kỳ vọng rất nhiều vào các bạn”, ông Nên gửi gắm.
Ông Nên cũng dặn dò các trí thức trẻ: “Mình đi lo cho xã hội, cho đất nước nhưng chính bản thân mình thì ai lo. Sống phải để ăn, để làm việc, ổn định và quan trọng nhất là phải đủ niềm tin, đủ yên tâm, đủ điều kiện, không gian sáng tạo mà không phải bận tâm nên ở đâu, về hay ở, nên đi bằng cách nào, nên đến đâu?... Chúng ta hãy dành thời gian để tập trung cho chuyên môn, để dồn sức cho chúng ta đứng lên sau thất bại”.
Điều ông Nên mong mỏi nhiều nhất là: “Làm sao mọi ngả đường hướng về Tổ quốc, mọi ngả đường thực hiện mục tiêu xây dựng Tổ quốc là phải thật sự thông thoáng và thuận lợi. Để cho trí thức trẻ trong và ngoài nước thấy rõ hình ảnh của mình trên đường đi và đích đến...”.
Tại diễn đàn, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho rằng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, lực lượng trí thức trẻ Việt Nam cũng nhanh chóng lớn mạnh. Không ít trí thức trẻ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, lao động sáng tạo, vươn mình ra tầm châu lục và thế giới, đặc biệt đã đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới, khẳng định được mình, khẳng định được trí tuệ Việt, bản sắc Việt để đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Các trí thức trẻ Việt Nam trao đổi tại diễn đàn - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
“Tôi tin rằng, trí thức trẻ Việt Nam dù ở bất cứ đâu, các bạn đều mong muốn có một Việt Nam dân giàu nước mạnh, một Việt Nam vẻ vang đứng trong đội ngũ các quốc gia phát triển trên thế giới. Chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng quan trọng là chia sẻ với nhau khát vọng. Do đó, chúng tôi rất mong muốn cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu hợp tác, chia sẻ, cùng đưa ra những giải pháp để cùng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2045”, anh Tuấn gửi gắm.
Trí thức trẻ là lực lượng nòng cốt
Nghiên cứu sinh Lê Thị Thanh Tịnh (ĐH Leiden, Hà Lan) trao đổi với các đại biểu về vấn đề giáo dục công dân toàn cầu, xu hướng tiếp cận và kinh nghiệm quốc tế đã tạo được sự tranh luận sôi nổi từ các đại biểu khác. Theo nghiên cứu sinh Lê Thị Thanh Tịnh, hiện nay cụm từ “giáo dục công dân toàn cầu” ngày càng được nhiều người nhắc tới, nhiều trường học ở Việt Nam cũng giới thiệu đào tạo theo hướng công dân toàn cầu. Kinh nghiệm của các quốc gia ở châu Á, châu Âu tiếp cận với giáo dục toàn cầu khác biệt cũng được chị Tịnh nhắc tới.
Với tham luận về “Xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển năng lực cá nhân cho sinh viên”, thạc sĩ Lại Vũ Kiều Trang (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) cho rằng tương lai của đất nước tới năm 2045, chính là các thế hệ sinh viên hôm nay. Muốn đất nước phát triển thì con người là yếu tố cốt lõi, trong đó con người cần có trình độ, năng lực, đạo đức.
Do đó, trong mô hình mà thạc sĩ Trang giới thiệu để phát triển năng lực cá nhân cho sinh viên có 3 lực lượng phối kết hợp với nhau giữa Đoàn, các nhà tâm lý và các nhà cố vấn học tập. Trong đó, nhà tâm lý giữ vai trò vô cùng quan trọng. Chỉ khi nào đủ nhu cầu an toàn thì con người nảy sinh những nhu cầu cao hơn.
Nhắc đến giá trị của thanh niên trong thời đại mới, thạc sĩ Võ Thị Thu Sương (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đề xuất: “Khi hỏi những bạn trẻ hiện nay về giá trị bản thân thì các bạn bối rối, không hiểu giá trị là gì. Và mình phải chọn giá trị của mình như thế nào. Việc của chúng ta ở đây là cần định hướng đến năm 2045 về một khung giá trị chung. Tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, những thế hệ trí thức trẻ sẽ có những nghiên cứu để gợi ý cho các bộ, ban, ngành có những định hướng nhằm xây dựng khung giá trị chung cho thanh niên”.
Còn tiến sĩ Tô Thị Hương Quỳnh (Trường ĐH Xây dựng) nêu vấn đề về vai trò của trí thức trẻ trong nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thông qua các dự án hợp tác giữa Việt Nam và thế giới.
Tiến sĩ Quỳnh cho rằng mục tiêu năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu trên, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ hàng đầu; trong đó phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một trong những đột phá chiến lược.
“Lao động trẻ Việt Nam, trong đó trí thức trẻ là lực lượng nòng cốt, sẽ là chìa khóa để phát triển kinh tế trong 25 năm tới, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”, tiến sĩ Quỳnh nhấn mạnh.
Để có thể đi tắt đón đầu, để gia nhập và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại mới, tiến sĩ Quỳnh đề xuất các trí thức trẻ cần chủ động tiếp cận mạng lưới nghiên cứu từ các nhà khoa học, hội thảo khoa học, dự án nghiên cứu. Mỗi bạn trẻ nên tự phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế. Bên cạnh đó là chủ động tìm kiếm các chương trình nghiên cứu. Hiện nay có rất nhiều quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước, nên các bạn cần chủ động hơn để tìm kiếm các nguồn lực đó. Hoặc là hợp tác với doanh nghiệp để doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu, để đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu sẽ không bị “chết yểu”.
Tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2020 có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư. |
Theo thanhnien