Trang phục thảm họa

Mới đây, đoạn clip ngắn trên TikTok ghi lại hình ảnh cô gái trẻ trong trang phục không thể hở hơn tại một buổi tiệc cưới gây xôn xao dư luận. Chiếc đầm ngắn trên gối, không chỉ hở gần như toàn bộ phần lưng mà còn được “cut off” 2 bên thân áo, từ phần eo trên. Khoảng hở được kết nối bằng những sợi dây vải nhỏ, để lộ phần da thịt một cách lộ liễu và kém duyên.

Một bộ trang phục phản cảm khác xuất hiện trong buổi tiệc cưới khác cũng từng khiến cộng đồng dậy sóng. Chủ nhân của chiếc đầm mỏng tang, để lộ toàn bộ nội y, sau đó đã lên tiếng giải thích rằng, cô mặc theo thần tượng của mình là Hoa hậu Hòa bình Thái Lan 2022 Engfa Waraha.

Có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh ăn mặc phản cảm, không phù hợp ở chốn công cộng hiện nay
Có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh ăn mặc phản cảm, không phù hợp ở chốn công cộng hiện nay
 

Ăn mặc đẹp là nhu cầu cơ bản của mỗi người. Nhưng một bộ trang phục đẹp cần phù hợp với tuổi tác, vóc dáng cơ thể, bối cảnh xuất hiện, đối tượng giao tiếp… Dù không có bất kỳ sự ràng buộc nào về luật pháp nhưng có một luật bất thành văn đã tồn tại từ rất lâu: mặc đẹp là mặc có văn hóa, không phải đẹp chỉ vì mong muốn, sở thích của cá nhân, bất chấp mọi yếu tố xung quanh. Văn hóa Việt Nam cũng không chấp nhận lối ăn mặc hở hang, phô bày cơ thể tại nơi công cộng.

Thế nhưng ngày nay, ở nhiều nơi công cộng, người ta dễ dàng nhìn thấy những bộ trang phục “7 phần da, 3 phần vải”, đôi khi để lộ gần hết những phần “nhạy cảm”. Những bộ trang phục khiến ai vô tình chạm mắt cũng cảm thấy ngại ngùng. Tệ hơn, người ta mang cả những bộ trang phục hở lưng, ngắn cũn cỡn vào cả nơi thờ phụng như đền chùa. Nên cười hay mếu?

Thời đại 4.0, thế giới phẳng, sự giao thoa của nhiều nền văn hóa nhanh và dễ dàng hơn. Bên cạnh những cá nhân biết chọn lọc để có những bộ trang phục đẹp, phù hợp thì vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ, sa vào mê hồn trận của thời trang. Do không đủ sức đề kháng trước sự tấn công ồ ạt của các luồng văn hóa, thiếu kiến thức về thời trang và thiếu cả ý thức khiến không ít “tín đồ thời trang” bắt chước rập khuôn những kiểu mẫu trang phục yêu thích. Khi có cơ hội, họ sẽ chọn bộ trang phục đó bất chấp hoàn cảnh xuất hiện. Trường hợp cô gái thần tượng Engfa Waraha nói trên là một điển hình. Cô đã máy móc chọn bộ trang phục Engfa mặc khi làm MC của phần thi trình diễn áo tắm thuộc khuôn khổ Miss Grand Thailand 2023 để xuất hiện tại tiệc cưới.

Có muôn vàn lý lẽ để biện minh cho những bộ trang phục “thảm họa”. Nhiều bạn trẻ cho rằng kiểu trang phục gây được sự chú ý cho những người xung quanh chính là cách để họ thể hiện cá tính, khác biệt và sự sành điệu. Họ đang vô tình hoặc cố ý đánh tráo khái niệm gợi cảm và gợi dục, khiến bộ trang phục đang mặc trở thành phản cảm.

“Ăn cho mình, mặc cho người”

Không riêng giới trẻ, phụ nữ tuổi trung niên cũng có nhiều người ăn mặc trên hở dưới ngắn, khoe phần da thịt đã “có tuổi” ở nơi công cộng. Khi bị phản ứng, họ tuyên bố rất chi “nữ quyền” rằng “Tôi đẹp, tôi có quyền”, “Đẹp khoe xấu che”. Một số nghệ sĩ, ca sĩ, người của công chúng cũng cổ xúy cho phong cách thời trang thiếu vải với phát ngôn theo kiểu: “Mặc hở hang mà vẫn đẹp thì cũng không sao”.

 

Sẽ là chủ quan nếu cho rằng người phương Tây phóng khoáng, tự do trong chọn lựa trang phục. Dù rất hiện đại, rất cởi mở, mỗi nước đều có những quy định chung về trang phục, được gọi là dress code (quy tắc trang phục), quy định việc chọn lựa trang phục trong những hoàn cảnh khác nhau và phải phù hợp với người mặc về tuổi tác, ngoại hình… Ngay cả những siêu sao Hollywood cũng từng bị chỉ trích khi diện trang phục không phù hợp hoặc quá hở hang khi xuất hiện ở các sự kiện. Có những bộ trang phục bị xem là thảm họa hoặc “đáng xấu hổ”, bị nhắc nhở đến vài thập niên sau đó.

Chọn lựa trang phục là quyền tự do và sở thích của mỗi cá nhân. Nhưng sử dụng trang phục ra sao sẽ cho thấy tầm vóc văn hóa của người đó. Tục ngữ Việt Nam có câu “Ăn cho mình, mặc cho người”. Một bộ trang phục đúng nơi, đúng lúc cũng là cách thể hiện lòng tự trọng và sự tôn trọng những người xung quanh. Trang phục không chỉ làm cho người mặc đẹp hơn hay xấu đi, mà nó bao gồm văn hóa, tính cách của mỗi người.

Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có nhiệm vụ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, tập trung xây dựng nếp sống mới, những chuẩn mực văn hóa mới, xây dựng, phát triển và sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… Tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, mở rộng giao lưu văn hóa… Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam và làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại…”.

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng - nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - từng phát biểu: “Văn hóa mặc không chỉ thể hiện trình độ văn hóa của mỗi người, mà còn thể hiện bộ mặt của xã hội”. Trang phục là một trong những yếu tố quan trọng của văn hóa. Nó góp phần tạo nên diện mạo văn hóa trong cuộc sống. Nhìn trang phục của công chúng ở nơi công cộng, có thể phần nào đánh giá sự phát triển của một quốc gia.

Để hình thành một cộng đồng ăn mặc đẹp, có văn hóa, biết chọn lọc tinh hoa của thời trang thế giới, trách nhiệm không chỉ thuộc về gia đình, nhà trường, xã hội mà còn là ý thức của từng cá nhân. 

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email:diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn

Theo phụ nữ TPHCM