Nhà đồng sáng lập trường nội trú duy nhất ở Afghanistan hiện tị nạn ở Rwanda, chỉ vài ngày sau khi đoạn video ghi lại cảnh cô đốt hồ sơ học sinh, tránh để lọt vào tay Taliban được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, theo Guardian.

Shabana Basij-Rasikh, người đã trốn thoát khỏi thủ đô Kabul cùng 250 sinh viên và giáo viên, kêu gọi thế giới "đừng rời mắt" khỏi tình hình ở nước này, khi hàng triệu trẻ em gái và nữ sinh đang mắt kẹt lại.

Nhiều tổ chức quốc tế, nhà hoạt động xã hội và giáo dục lo ngại việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan sẽ khiến trẻ em gái, phụ nữ nước này mất đi cơ hội học tập và làm việc. Ảnh: Theirworld.


Pashtana Durrani, Giám đốc điều hành tổ chức giáo dục Learn Afghanistan, hiện phải lẩn trốn và thề sẽ "xây dựng đội quân chỉ dành cho phụ nữ Afghanistan được học hành đầy đủ".

Sau khi nắm quyền kiểm soát đất nước, Taliban muốn xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn 20 năm trước, cùng lời khẳng định phụ nữ sẽ được tiếp tục đi học, làm việc. Tuy nhiên, nhiều báo cáo lại cho biết có tình trạng lao động nữ, sinh viên bị đuổi khỏi trường học, nơi làm việc.

Điều này dấy lên quan ngại rằng mọi nỗ lực đấu tranh vì quyền phụ nữ ở Afghanistan trong 2 thập kỷ qua sẽ trở nên vô nghĩa.

Số trẻ đến trường "sẽ giảm mạnh"


Giới lãnh đạo từ các tổ chức viện trợ đang kêu gọi cộng đồng quốc tế vận dụng ảnh hưởng ở Afghanistan nhằm ngăn những tiến bộ trong giáo dục và quyền lợi cho trẻ em gái, phụ nữ nơi đây bị đảo ngược.

Giáo sư Kevin Watkins tại Viện Firoz Lalji, cựu lãnh đạo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, cho biết tại thời điểm này, thách thức lớn nhất là phải bảo vệ những thành quả đạt được.

"Các nhà lãnh đạo của Taliban sẽ nhận thức được họ cần sự hỗ trợ từ quốc tế nhằm ứng phó với nạn đói, các dịch vụ cơ bản và tạo việc làm. Các tổ chức viện trợ cần yêu cầu Taliban bảo vệ nhu cầu giáo dục cho trẻ em gái, cung cấp tài chính cho cộng đồng", ông Watkins nói.

          Các tổ chức quốc tế kêu gọi hợp tác, trao đổi với Taliban nhằm bảo vệ quyền được đến trường cho trẻ em gái ở Afghanistan. Ảnh: Vogue.


Khi Taliban kiểm soát Afghanistan năm 2001, chỉ khoảng 12% bé gái ở cấp tiểu học được đến trường. Con số này tăng lên thành gần 50% vào năm 2015, theo phân tích dữ liệu khảo sát từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington (Mỹ).

Năm 2020, 39% (khoảng 3,7 triệu người) trong số 9,5 triệu trẻ em được đi học là bé gái.

Sarah Brown, Giám đốc tổ chức từ thiện cho trẻ em Theirworld, nhấn mạnh nền giáo dục cho trẻ em gái ở nước này được cải thiện theo cấp số nhân trong thời gian qua.

"Chính phủ các nước không thể ngồi yên nhìn thành tựu này bị phá hủy được, họ có thể dùng sức ảnh hưởng cho các cam kết hỗ trợ trẻ em gái được học hành", cô cho biết.

Tuần trước, ông Mustapha Ben Messaoud, Trưởng bộ phận hoạt động thực địa của UNICEF, phát biểu tại cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc rằng ông nhận thấy tín hiệu lạc quan khi trao đổi với giới chức Taliban.

Ông cho biết phía Taliban có quan điểm ủng hộ việc giáo dục cho trẻ em gái. Các nhóm quốc tế khác cũng trả lời Guardian rằng họ cũng nhận được những phản hồi tương tự.

Song, Ashley Jackson, điều phối viên tại Viện Phát triển Nước ngoài, có quan điểm ngược lại.

"Chúng tôi chưa nắm được quy tắc của Taliban vì họ chưa công bố. Cách duy nhất để duy trì thành quả đạt được trong giáo dục là trao đổi, đối thoại với họ. UNICEF nói rằng họ cảm thấy lạc quan, nhưng trừ khi chúng ta tham gia, mọi thứ đều không có hy vọng".

Heather Barr, Phó giám đốc về quyền phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói rằng hầu hết người dân Afghanistan mà bà liên hệ đều nói rằng "Taliban chỉ cố gắng tỏ ra hợp tác".

"Họ nói rằng ngay khi thế giới ngừng chú ý, Taliban sẽ lại trở về như 20 năm trước. Chúng tôi hiểu rõ tình cảnh lúc ấy sẽ ra sao", bà nói.

Susannah Hares, Giám đốc Trung tâm Phát triển Toàn cầu, dự đoán tỷ lệ trẻ em tới trường sẽ giảm mạnh, bất chấp sự đảm bảo từ Taliban. Đáng nói, chỉ 16% trường học ở Afghanistan là dành riêng cho nữ sinh.

Theo Zing