Sau vụ bé gái 10 tuổi ở Ohio rời tiểu bang để phá thai gây rúng động nước Mỹ, một số người phản đối việc phá thai cho rằng cô bé lẽ ra nên mang bầu đủ tháng.
Tuy nhiên, các bác sĩ và nữ hộ sinh làm việc tại những quốc gia thường xảy ra tình trạng mang thai ở trẻ em gái vị thành niên cho biết nhiều người có thể không hiểu được hậu quả tàn khốc của việc mang thai và sinh nở trên cơ thể một đứa trẻ, theo The New York Times.
Dễ bị tổn thương
Marie Bass Gomez, nữ hộ sinh và nhân viên điều dưỡng cấp cao tại Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Bundung ở Gambia, cho biết: “Cơ thể của trẻ em gái chưa sẵn sàng cho việc sinh nở và rất dễ bị tổn thương”.
TS Ashok Dyalchand, có hơn 40 năm hỗ trợ các bé gái vị thành niên mang thai trong những cộng đồng có thu nhập thấp ở Ấn Độ, cho biết vấn đề nghiêm trọng là khung xương chậu của trẻ em quá nhỏ để thai nhi đi qua.
|
|
Vụ việc bé gái 10 tuổi bị từ chối phá thai ở Ohio gây ra sự phẫn nộ tại Mỹ. Trong ảnh, một phụ nữ mang tấm biển ủng hộ quyền phá thai ở Los Angeles ngày 26/6. Ảnh: Apu Gomes/AFP. |
Bên cạnh đó, các bé gái chuyển dạ lâu, bị cản trở quá trình chuyển dạ, thai nhi đè lên bàng quang và niệu đạo đôi khi gây ra bệnh viêm vùng chậu và vỡ mô giữa âm đạo với bàng quang và trực tràng.
“Đó là hậu quả kinh khủng đối với bé gái dưới 15 tuổi. Các biến chứng, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở nhóm này cao hơn nhiều so với trẻ em gái 16-19 tuổi”, ông nói thêm.
Tình trạng trẻ em gái sinh con tương đối hiếm ở Mỹ. Theo Viện Guttmacher, cơ quan hỗ trợ quyền phá thai và khảo sát các phòng khám thường xuyên, năm 2017 (thời điểm gần nhất có số liệu), có 4.460 trường hợp mang thai ở trẻ em gái dưới 15 tuổi nhưng chỉ dưới một nửa phá thai.
Tuy nhiên, trên toàn cầu, các biến chứng liên quan đến mang thai và sinh nở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái 15-19 tuổi, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo báo cáo năm 2014 được công bố trên tạp chí Journal of Neonatal-Perinatal Medicine, tuổi đời quá trẻ của sản phụ có liên quan đến việc tăng nguy cơ thiếu máu ở mẹ, nhiễm trùng, sản giật và tiền sản giật, mổ lấy thai khẩn cấp, trầm cảm sau sinh.
“Trẻ em gái thường sinh non và nhẹ cân hơn”, TS Willibald Zeck, điều phối viên sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, cho biết. Bà thường xuyên đỡ đẻ cho các bà mẹ trẻ khi làm bác sĩ phụ khoa ở Tanzania, sau đó giám sát nhiều chương trình sức khỏe bà mẹ ở Nepal và Philippines.
|
|
Tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên là phổ biến ở các nước như Ghana. Ảnh: Simon Townsley/The Telegraph. |
Trong khi bé gái 10 tuổi ở Ohio có thể được chăm sóc trước khi sinh và mổ lấy thai để giảm bớt ảnh hưởng của quá trình chuyển dạ bị cản trở, trải nghiệm mang thai ở các bà mẹ trẻ tại Ấn Độ cũng giống như ở Mỹ.
“Các cô gái ít nhiều sẽ phải trải qua cùng loại biến chứng. Sự khác biệt duy nhất là khi được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, họ có thể không gặp phải những kết cục khủng khiếp. Nhưng điều đó không có nghĩa là cơ thể và cuộc sống của cô bé ấy không để lại những vết sẹo”, TS Dyalchand cho biết.
Rất nhiều tủi nhục
TS Shershah Syed, bác sĩ phụ khoa và chuyên gia về tỷ lệ tử vong mẹ ở Pakistan, thường xuyên chăm sóc cho các bé gái mang thai từ 11 tuổi trở xuống.
Ông cho biết chăm sóc trước khi sinh tốt có thể ngăn chặn sự phát triển của lỗ giữa thành bàng quang hoặc trực tràng và âm đạo (lỗ rò), nơi gây ra sự rò rỉ nước tiểu hoặc phân, không chỉ gây đau đớn vì vết loét bỏng rát mà còn dẫn đến tình huống xấu hổ.
Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng không thể ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp ở các bà mẹ còn rất trẻ.
“Về sinh lý bình thường, một đứa trẻ 10 tuổi không được có thai vì chưa sẵn sàng cho việc sinh nở. Hơn nữa, sự tra tấn tinh thần mà em sẽ trải qua là không thể đo lường”, ông nói thêm.
|
|
Mang thai ở độ tuổi còn quá trẻ có thể hủy hoại cơ thể và tinh thần của các cô gái. Ảnh: Alamy Stock Photo. |
Trong những trường hợp TS Syed từng gặp, việc mang thai sớm sẽ kìm hãm sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của người mẹ còn rất trẻ vì nhiều em phải nghỉ học và mất giao tiếp xã hội bình thường với bạn bè. Trong khi thai phụ bị thiếu máu phải vật lộn để mang bầu, thai nhi sẽ hút chất dinh dưỡng và tiếp tục phát triển cho đến khi vượt quá sức chịu đựng của khung xương chậu người mẹ.
“Các bé gái chuyển dạ 3-5 ngày và sau quá trình đó, thường đứa bé đã chết”, vị chuyên gia hàng đầu của Nam Á về sửa chữa lỗ rò sản khoa cho biết thêm.
Trong gần như tất cả trường hợp này, cơ thể trẻ em gái đã phát triển lỗ rò âm đạo giữa thành bàng quang và âm đạo. Khoảng 1/4 trong số đó, quá trình chuyển dạ kéo dài cũng sẽ gây ra lỗ rò trực tràng khiến sản phụ nhí liên tục bị rò rỉ cả nước tiểu và phân.
TS Syed cho biết ông có thể khắc phục tình trạng này. Nhưng quá trình đòi hỏi thời gian dài phục hồi: lỗ rò bàng quang mất khoảng 5 tuần để chữa lành, trong khi lỗ rò trực tràng cần 4-5 tháng.
Năm 1978, TS Dyalchand bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực y tế công cộng tại bệnh viện huyện nhỏ ở vùng nông thôn Maharashtra, trên bờ biển phía tây Ấn Độ. Trong tuần đầu tiên, ông tiếp nhận 2 cô gái trẻ mang thai bị chảy máu - một trong khi chuyển dạ, người còn lại ở lối vào bệnh viện. Từ đó, ông bắt đầu làm việc với các cộng đồng để thuyết phục họ trì hoãn tuổi kết hôn và thụ thai lần đầu ở các bé gái.
Nỗ lực này đã cho thấy thành công đáng kể. Ấn Độ đang dần mở rộng khả năng tiếp cận phá thai. Thủ tục này là hợp pháp cho đến khi thai được 24 tuần.
Tại Gambia, Bass Gomez nói rằng phòng khám của bà có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc trước khi sinh tốt cho các bé gái mang thai, nhưng điều đó không làm giảm bớt những tổn thương.
“Phòng khám của tôi được thiết kế để chăm sóc người lớn. Bởi vậy, với những đứa trẻ mang thai, môi trường này thực sự gây tổn thương và không thoải mái. Có rất nhiều nỗi tủi nhục và xấu hổ”.
Theo Zing