Phận đời bất hạnh của các góa phụ và trẻ em Afghanistan trên đồi Zanabad

Ở ngoại ô cách thủ đô Kabul (Afghanistan) về phía Đông 15km, “Đồi góa phụ” Zanabad đã trở thành mái nhà chung của hơn 500 góa phụ từ nhiều năm nay. Nơi đây, có lúc đón nhận cả 2 thế hệ góa phụ trong cùng 1 gia đình.
Góa phụ Nawzi Fakiri kể: “Tôi được người ta chỉ cho nơi này. Ban đầu, tôi không có ý định đến nhưng cuộc sống khó khăn quá, tôi chỉ còn biết dựa vào đây”.

Chiến tranh liên miên và cuộc sống cực khổ đã khiến phụ nữ Afghanistan lâm vào tình cảnh cực kỳ bi đát. Như chị Marghooba Jafary, góa phụ 35 tuổi đã một nách lo cho 4 đứa con. Vì không nuôi nổi, chị phải cho con gái 13 tuổi lấy người chồng 40 tuổi nhưng con gái chị không may bị ruồng rẫy, bạo hành. 

Mặc dù luật pháp Afghanistan cấm phụ nữ dưới 16 tuổi kết hôn nhưng thực tế, có tới 57% cô dâu tuổi dưới 16. Ở Afghanistan, hơn 80% phụ nữ bị mù chữ và do không có điều kiện điều trị y tế nên tỉ lệ phụ nữ bị chết khi sinh đẻ khá cao.

Xây dựng nên đồi Zanabad là bà Bibi ul-Zuqia, người đã qua đời năm 2016. Con gái lớn của bà là Anissa Azimi (38 tuổi) đang thay mẹ điều hành nơi này. Chị Azimi chia sẻ: “Mẹ tôi đã đến đây từ 15 năm trước với 5 đứa con, sau khi bố tôi chết trong một vụ không kích tên lửa. Vượt qua đau thương, mẹ gây dựng nơi này làm chỗ trú thân cho gia đình và nhiều phụ nữ cùng cảnh ngộ”.

Chính bà Bibi ul-Zuqia đã tổ chức các lớp học xóa mù chữ, hình thành xưởng may và phân phối thực phẩm cho phụ nữ với sự hậu thuẫn của các tổ chức phi chính phủ. Ngọn đồi này tuy cách biệt, thiếu thốn nhưng ít ra ở đây, những người mẹ góa con côi còn có một nơi để ở, bởi từ khi mất chồng, họ không thể xoay xở được tiền thuê nhà, đôi khi còn bị ép tái hôn, thường là với chính người trong gia đình chồng.

Vì chiến tranh nên ở Afghanistan có hơn 2,5 triệu góa phụ

Bà Kobra Rezai, phát ngôn viên Bộ Chuyên trách các vấn đề phụ nữ, cho biết: “Ở Afghanistan, đàn ông là người kiếm tiền cho gia đình. Phụ nữ không được khuyến khích học hành và làm việc ngoài xã hội. Vì vậy, khi mất đi trụ cột gia đình, người phụ nữ sẽ rất khó khăn để lo cho bản thân và các con”. Khi xung đột vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, ngọn đồi này mỗi ngày lại tiếp nhận thêm nhiều góa phụ mới.

Để hỗ trợ các góa phụ ở Afghanistan, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tài trợ lập nên các hợp tác xã nông nghiệp và mở lớp đào tạo cho chị em biết cách trồng trọt, chăn nuôi nhằm cải thiện cuộc sống.
UNDP còn hỗ trợ mở các cuộc hội thảo bàn về vai trò của phụ nữ Afghanistan trong việc kiến tạo hòa bình. Các phái viên của LHQ nhấn mạnh, để cho hòa bình bền vững, phụ nữ phải được tham gia ngay từ đầu.

Cuộc sống thiếu thốn ở "đồi góa phụ"

Việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan là điều cần thiết để đảm bảo sự tham gia đầy đủ của họ trong đời sống chính trị và xã hội. Chính phủ Afghanistan đã cam kết, tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các cơ quan chính phủ tới 30% vào năm 2020.

Tổ chức từ thiện Aschiana đã mở nhiều lớp học cho trẻ em đường phố và trẻ mồ côi. Để có được điều đó phải kể đến công lao của anh Hashmatullah Hayat, người từng là trẻ lang thang kiếm sống trên đường phố.

Anh Hayat đã tận tụy làm tất cả những việc có thể để giúp những bé trai, bé gái và các góa phụ nghèo khổ ở Afghanistan. Trở thành người điều hành dự án chính của trường học đặc biệt, Hayat quản lý mọi việc liên quan tới các lớp học, từ giáo dục cơ bản tới dạy nghề.

Anh cũng thường xuyên ghé thăm các trại tị nạn ở Afghanistan giám sát các chương trình đào tạo và trường học do Aschiana tổ chức. Hiện có khoảng 5.700 học sinh được Aschiana tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản. Qua học tập, các em hiểu hơn về quyền của mình để “nói không” với nạn tảo hôn.

Theo thống kê của tổ chức Thomson Reuters Foundation (Anh quốc), hiện có 258,5 triệu góa phụ trên toàn cầu, đặc biệt tập trung ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi do xung đột; 38 triệu góa phụ sống trong nghèo đói cùng cực; có 1/10 phụ nữ trong độ tuổi hôn nhân là góa bụa nhưng riêng tại Afghanistan, tỉ lệ này cao nhất với 1/5.

Theo phunuvietnam