Đông Nam Á chạy đua tiêm chủng khi đại dịch lan nhanh
Cập nhật lúc 10:59, Thứ ba, 15/06/2021 (GMT+7)
Dù số trường hợp nhiễm mới và tử vong ở Đông Nam Á vẫn còn thấp so với các điểm nóng khác như Ấn Độ và Brazil nhưng chính phủ các nước khu vực này đã bắt đầu thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách và tăng cường kiểm tra khi đại dịch đang lan nhanh.
Người dân chờ tiêm vắc xin COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Subang Jaya, Malaysia
“Đông Nam Á đã làm một việc tuyệt vời trong làn sóng đại dịch đầu tiên nhưng mọi người sau đó đã hạ thấp cảnh giác và điều này khiến virus trở lại. Chính phủ các nước đã cố gắng tăng cường các chiến dịch tiêm chủng nhưng - ngoại trừ Singapore - họ vẫn còn một chặng đường dài phía trước”, tiến sĩ Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, nói.
Singapore là quốc gia đi đầu trong khu vực về tiêm chủng với hơn 30% dân số được tiêm đầy đủ. Hiện quốc gia này cũng đã cho phép trẻ em từ 12 tuổi được tiêm chủng và các hạn chế kéo dài hằng tháng sẽ được xem xét lại. Nhưng nhiều nước láng giềng của Singapore bị cản trở bởi tiến độ chậm chạp với hầu hết chỉ được tiêm dưới 10% dân số.
Indonesia, quốc gia đã phát hơn 30 triệu mũi - chủ yếu cho người già, nhân viên y tế và những người khuyết tật - đang cho phép những người già có mặt tại bất kỳ cơ sở được chỉ định nào để tiêm ngừa mà không cần đăng ký trước. Ngoài ra, Indonesia cũng đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật để giúp nước này trở thành trung tâm sản xuất vắc xin COVID-19 trong khu vực.
Malaysia, quốc gia đang trong giai đoạn đình trệ sau khi ghi nhận số ca mắc và tử vong cao kỷ lục trong những tuần gần đây, đã mở các trung tâm tiêm chủng lớn để tiêm cho 8.000 người mỗi ngày. Hiện gần 4% dân số của Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ nước này khẳng định sẽ có thêm 16 triệu liều vắc xin được cung cấp trong hai tháng tới.
Thái Lan đã đặt mục tiêu thực hiện 500.000 mũi tiêm mỗi ngày từ tháng này, gấp năm lần so với mức trung bình hằng ngày trước đó. Thái Lan cũng công bố kế hoạch mở cửa khu du lịch Phuket vào tháng tới cho những khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan đã cho phép các tổ chức hành chính địa phương và tư nhân mua vắc xin COVID-19.
Campuchia đã huy động quân đội để tiêm chủng cho công dân của mình để số người được tiêm càng nhiều càng tốt. Philippines mở rộng tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi, trong khi các công ty tư nhân được phép mua vắc xin cho công nhân mà không cần phải đóng góp cho chính phủ. Riêng Bộ Y tế Việt Nam cho biết, đang nỗ lực đàm phán để có đủ 150 triệu liều vắc xin trong năm 2021.
Dù vậy, người ta ước tính rằng khu vực này sẽ cần khoảng 1,4 tỷ liều để cung cấp cho toàn bộ dân số hơn 650 triệu người, khiến một số nhà phân tích cảnh báo, đây sẽ là thách thức lớn vì nhu cầu vắc xin toàn cầu vượt xa nguồn cung.
Các chuyên gia lo ngại rằng, nếu điều này không được khắc phục, việc phục hồi tổng thể cho bất kỳ quốc gia nào sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian, đặc biệt nếu các biến thể của virus dẫn đến những làn sóng lây nhiễm mới.
“Việc chậm triển khai vắc xin sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Đông Nam Á. Đối với một khu vực phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch, việc tỷ lệ tiêm vắc xin thấp cộng với chính sách biên giới đóng cửa có nghĩa là các quốc gia sẽ không mở cửa nền kinh tế sớm, do đó bỏ lỡ các cơ hội kinh tế khi phương Tây dần mở cửa trở lại”, tiến sĩ Abhishek Rimal nhận định.
Theo phunuonline