Nhân viên tình nguyện lo hậu sự cho bệnh nhân Covid-19 tại Indonesia - REUTERS
Với việc số ca nhiễm và tử vong tăng kỷ lục vài tuần gần đây, Indonesia trở thành tâm dịch mới của châu Á. Cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước này được cho là sự lặp lại của đợt sóng thứ hai tại Ấn Độ vài tháng trước. Số ca bệnh tăng cao, hệ thống y tế quá tải đến mức bệnh nhân phải chờ có người qua đời mới có được giường bệnh và đáng lo ngại là nước này vẫn chưa đạt đỉnh dịch, theo CNN.
Tính đến hôm qua, Indonesia vẫn còn hơn 520.000 ca bệnh đang điều trị trong khi số ca nhiễm mới gần đây luôn trên mức 50.000 ca/ngày. Trong tình hình đó, nhà chức trách nước này đang cân nhắc gia hạn thêm lệnh hạn chế đi lại ngăn dịch, đang được áp dụng tại nhiều vùng nhưng dự kiến kết thúc vào ngày 20.7.
Thái Lan hôm qua ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp. Dịch bệnh bùng phát mạnh buộc chính quyền Thái Lan mở rộng quy định giới nghiêm thêm 3 tỉnh nữa thành tổng cộng 13 tỉnh cho đến ngày 2.8, theo tờ Bangkok Post.
Tại Campuchia, số ca tử vong vẫn cao trong vài tuần qua khi dao động từ 20 - 40 ca mỗi ngày và hôm qua có thêm 30 ca. Một trong những mối lo ngại lớn hiện nay của Campuchia là số ca nhiễm từ nước ngoài về ngày càng tăng, hầu hết từ Thái Lan, và nỗi lo xuất hiện ca nhiễm biến chủng Delta trong số đó. Theo tờ Khmer Times, hệ thống chăm sóc y tế của Campuchia đang đứng bên bờ vực quá tải do số ca nhiễm mới tăng nhanh còn các bệnh nhân hồi phục chậm, đặc biệt tại các tỉnh đang có đợt bùng phát mới. Tính đến hôm qua, Campuchia có 7.138 ca bệnh còn đang chữa trị. Riêng tại thủ đô Phnom Penh, mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng những cảnh báo về người bị nhiễm tại các siêu thị mới đây cho thấy Covid-19 vẫn còn là một thử thách lớn.
Tại Philippines, tổ chức độc lập theo dõi đại dịch OCTA Research kêu gọi chính phủ rút lại các quyết định nới lỏng được thi hành gần đây, trong bối cảnh biến chủng Delta đang xuất hiện trong cộng đồng, theo tờ Philippine Daily Inquirer. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết chính quyền cần tăng cường nỗ lực phòng chống dịch, cải thiện năng lực của hệ thống y tế, sẵn sàng gia tăng số giường bệnh và tích trữ ô xy cùng những công cụ chống dịch khác như thuốc men.
Phó tổng thống Leni Robredo hôm qua kêu gọi đẩy nhanh hơn nữa chương trình tiêm chủng để đối phó biến chủng Delta, lấy ví dụ về tình hình tại các nước như Indonesia hay Thái Lan. Theo số liệu chính phủ đến ngày 14.7, trong số 70 triệu người ước tính được tiêm trong năm nay, có khoảng 5,7% đã tiêm đủ 2 liều vắc xin và 14,3% tiêm liều đầu tiên.
Anh xem xét tiêm vắc xin cho nhóm 12 - 15 tuổi Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm qua xác nhận đã có kết quả dương tính với Covid-19, nhưng ông chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ nhờ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, theo Reuters. Thông báo trên Twitter, ông cho hay sẽ cách ly và làm việc tại nhà trong thời gian tới, sau khi nhậm chức hôm 26.6. Quan chức này tiêm vắc xin AstraZeneca mũi thứ nhất vào ngày 17.3 và mũi thứ hai vào ngày 16.5. Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak có tiếp xúc với ông Javid nhưng không cần tự cách ly 10 ngày. Thay vào đó, họ sẽ tham gia một nghiên cứu thử nghiệm, khi tiếp tục làm việc tại văn phòng và chỉ tự cách ly ngoài thời gian làm việc. Anh đang đối diện làn sóng mới của Covid-19, nhưng Thủ tướng Johnson khẳng định chương trình tiêm vắc xin đã giảm phần lớn các trường hợp mắc bệnh và nguy cơ tử vong. Dự kiến Anh chính thức dỡ bỏ hầu hết các quy định giới hạn nhằm phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 19.7. Bộ Y tế Anh hôm qua cho hay mọi công dân trưởng thành ở nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin. Giới chức Anh đang thảo luận việc tiêm vắc xin cho nhóm 12 - 15 tuổi và những người chuẩn bị 18 tuổi. Khánh An |
Theo thanhnien