leftcenterrightdel
Học sinh được tiêm vắc xin COVID-19 tại một trường học ở Putrajaya, Malaysia vào tháng Chín - ẢNH: REUTERS 

Tình hình ổn định

Các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung đã thành công trong việc giảm sự lây lan COVID-19 ở mức tối thiểu vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2021, khu vực này bắt đầu rơi vào khủng hoảng do biến thể Delta, với tỷ lệ lây truyền trong cộng đồng cao và tỷ lệ tử vong gia tăng.

Ban đầu, chỉ có một số quốc gia có khả năng tăng cường tiêm chủng cho người dân. Điều này một phần do thiếu nguồn cung vắc xin, phần khác do người dân ở một số quốc gia có tâm lý ít lo sợ hơn về dịch bệnh, xem nhẹ việc tiêm chủng, sau một năm chống dịch tương đối thành công.

Tính đến ngày 5/11, tuy chỉ mới có ba nước ở Đông Nam Á đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số, gồm Singapore, Campuchia và Malaysia, nhưng ở đa số các nước còn lại, chương trình tiêm chủng tăng tốc đồng thời với việc thực hiện nhiều biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đã giúp làn sóng lây nhiễm dịch bệnh bị ngăn chặn, dần chuyển sang cuộc sống “bình thường mới”. 

Hôm 8/11, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhận xét, tình hình đại dịch ở khu vực Đông Nam Á đang “nhanh chóng ổn định”. Kết quả đánh giá rủi ro riêng của Singapore đối với Campuchia, Indonesia, Malaysia và Việt Nam sẽ được điều chỉnh mức nguy hiểm từ ba thành hai. Riêng các nước Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan được điều chỉnh từ mức bốn xuống ba. Kết quả này là cơ sở để Singapore nới lỏng hơn các biện pháp kiểm soát đối với hành khách từ các quốc gia khống chế dịch bệnh tốt như Indonesia, Việt Nam, cả Thái Lan và Philippines đến Singapore từ ngày 11/11, hứa hẹn sự trở lại của ngành vận tải hàng không trong khu vực. 

Ngành du lịch tại Đông Nam Á cũng đang hồi sinh. Nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, Thái Lan - nước dẫn đầu châu Á với chương trình thử nghiệm du lịch đến Phuket - đã bỏ quy định cách ly bắt buộc và đón tiếp du khách từ hơn 60 nước vào đầu tháng 11. Tương tự, Indonesia bắt đầu chào đón du khách quay trở lại Bali và quần đảo Riau, trong khi Malaysia hứa hẹn mở cửa trở lại các bãi biển cát mịn ở Langkawi từ giữa tháng 11 này.

Trong khi đó, nguồn cung vắc xin COVID-19 tiếp tục đổ về Đông Nam Á từ các đối tác, đảm bảo duy trì tốc độ tiêm chủng cần thiết để ngăn chặn lây nhiễm hiệu quả. Điển hình, thông qua cơ chế hợp tác với sáng kiến chia sẻ vắc xin công bằng COVAX, Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam thêm hơn 2,8 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech kể từ đầu tháng 11. Hôm 8/11, ngoại trưởng Úc Marise Payne đã gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen và cam kết cung cấp 3,5 triệu liều vắc xin COVID-19 cho nước này. Campuchia đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 cho 13,93 triệu người, tương đương 87% trên tổng dân số 16 triệu người.

Cùng ngày, Indonesia công bố kế hoạch tiêm bổ sung cho công chúng dự kiến vào cuối năm nay, khi đạt cột mốc tiêm phòng đầy đủ cho 50% dân số. Hiện quốc gia từng là tâm chấn COVID-19 của Đông Nam Á này đã tiêm chủng cho 29% dân số bằng nhiều loại vắc xin. 

Việt Nam phục hồi nhanh chóng

Khi số ca nhiễm COVID-19 giảm đáng kể trên khắp Đông Nam Á, các chuỗi cung ứng đang chạy đua để phục hồi công suất sau nhiều tháng phải cắt giảm sản xuất hoặc ngừng hoạt động. Theo trang Asia Nikkei, Việt Nam đang nhanh chóng trở lại bình thường sau khi nới lỏng các hạn chế giãn cách nghiêm ngặt. Khoảng 200 nhà máy trong nước có hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike đã hoạt động trở lại. Khu công nghệ cao TPHCM, nơi tọa lạc các nhà máy của Samsung Electronics và Intel, đã thông báo sẽ “tích cực hỗ trợ để các cơ sở của cả hai công ty hoạt động trở lại hoàn toàn” trong tháng 11.

Các công ty sản xuất linh kiện điện và điện tử thiết yếu cho ngành công nghiệp ô tô cũng đang trở lại hoạt động mạnh mẽ, giúp các nhà sản xuất trên toàn cầu thở phào nhẹ nhõm. Công ty Furukawa Electric của Nhật Bản dự kiến sẽ cho hoạt động trở lại hết công suất ba nhà máy ở Việt Nam, chuyên sản xuất cụm cáp cho ô tô. Chỉ tính riêng cơ sở tại TPHCM đã có khoảng 8.000 công nhân quay lại làm việc.

Chủ tịch của Furukawa Electric - Keiichi Kobayashi - chia sẻ với Asia Nikkei: “Các nhà máy đã quay lại hoạt động và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu từ khách hàng”. Việt Nam là nguồn cung cấp khoảng 40% sản phẩm cụm cáp cho Nhật Bản vào năm 2020. Các nhà cung cấp nội địa như Yazaki và Sumitomo Electric Industries cũng đang khôi phục sản xuất tại các nhà máy của họ ở Việt Nam. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ lĩnh vực ô tô của Nhật Bản tái khởi sắc sau giai đoạn trầm lắng vì đại dịch toàn cầu. 

Theo phunuonline