"Virtual kidnappings" (các vụ bắt cóc ảo) là hành vi lừa đảo tống tiền qua điện thoại tinh vi. Nạn nhân phải tự bắt cóc chính mình, sau đó lấy tiền chuộc từ người thân. Cảnh sát bang New South Wales cho biết hôm 27/7, kể từ đầu năm nay, 8 vụ "bắt cóc ảo" đã bị phát hiện, thu về số tiền chuộc lên tới hàng triệu USD từ các nạn nhân khắp thế giới.

Một du học sinh bị ép dàn dựng vụ bắt cóc để tống tiền gia đình. Ảnh: Cảnh sát New South Wales.

Trong vụ tống tiền toàn cầu này, các nhà chức trách phát hiện cuộc gọi đầu tiên được thực hiện từ kẻ lừa đảo nói tiếng phổ thông, tự xưng là đại diện cho cơ quan Trung Quốc như cảnh sát, viện kiểm sát hoặc tòa án. Người gọi thuyết phục nạn nhân tin mình có liên quan đến vụ phạm tội ở Trung Quốc hoặc danh tính của họ đã bị đánh cắp và cần phải trả phí để tránh đối mặt với hành động pháp lý, bị bắt hoặc trục xuất.

Nạn nhân bị cưỡng ép chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nước ngoài hoặc thậm chí bị ép dàn dựng vụ bắt cóc chính mình. Những kẻ lừa đảo hướng dẫn nạn nhân liên hệ với gia đình và bạn bè, thuê một phòng khách sạn và chụp ảnh hoặc quay video mô tả họ đang bị trói và bịt mắt. Những hình ảnh "bằng chứng" sẽ được gửi cho người thân ở Trung Quốc để cầu xin gửi tiền chuộc mới có thể được "thả" ra. Họ cũng bị ép phải cắt đứt liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội và rời khỏi nơi ở.

Khi không thể liên lạc với con cái ở Australia, cha mẹ các nạn nhân đành trả tiền chuộc để đảm bảo "giải cứu an toàn" cho du học sinh - những người mà theo cảnh sát không hề gặp nguy hiểm về mặt thể chất.

"Những kẻ lừa đảo đã kiếm được 3,2 triệu USD cho khoản thanh toán tiền chuộc chỉ trong năm nay. Mỗi vụ thanh toán tiền chuộc thường dao động trong khoảng từ 20.000 đến 50.000 USD. Trong đó, một người cha ở Trung Quốc đã phải chi 2 triệu USD sau khi nhận video con gái 22 tuổi bị bắt cóc ở Sydney", thông báo của cảnh sát nói.

Du học sinh được chụp ảnh hoặc quay video mô tả họ đang bị trói và bịt mắt để làm bằng chứng gửi về cho gia đình.

Cảnh sát trưởng Darren Bennett cho biết, các vụ bắt cóc ảo của tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua. "Trong các cuộc điện thoại có vẻ như ngẫu nhiên này, những kẻ lừa đảo dường như đang nhắm đến các nhóm thành viên dễ bị tổn thương của cộng đồng người Australia gốc Hoa", ông nói trong tuyên bố hôm 27/7.

Cảnh sát New South Wales đã liên hệ với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney. "Họ khẳng định không có ai từ phía chính quyền lại liên lạc với một sinh viên qua điện thoại di động và yêu cầu các khoản tiền phải trả hoặc chuyển như thế", ông nói.

Cảnh sát đang kêu gọi các sinh viên liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc và trường học của họ, đồng thời báo cáo vấn đề với cảnh sát.

Theo ione.net