leftcenterrightdel
 Làm việc giữa bãi biển ở Bali, Indonesia. Ảnh: Peggy Anke

Mỗi sáng, Esh Muriel bước ra khu phố sầm uất ở quận Asok, trung tâm Bangkok (Thái Lan), rồi tìm một quán cà phê. Quán cà phê hoặc không gian làm việc chung là nơi mà Muriel thường xuyên xuất hiện trong sáu tháng qua tại Bangkok. Với công việc tư vấn dịch vụ kỹ thuật số, cô gái người Nepal có thể làm việc từ xa. Thậm chí, nếu muốn thay đổi không khí, Muriel có thể chuyển "văn phòng" đến một trong những hòn đảo xinh đẹp ở phía nam đất nước.

"Sống ở Bangkok rất ổn", Muriel nói. "Các quán cà phê thuận tiện để làm việc. Các con phố thân thiện để đi bộ. Ở đây bạn có thể gặp những người ở khắp nơi trên thế giới. Ở thời kỳ hậu Covid, nhiều người nhận ra rằng họ có thể làm việc ở bất kỳ đâu thế giới. Không cứ phải ngồi ở văn phòng để tỏ ra có hiệu suất".

Đồng quan điểm với Muriel, Christina Kovalenko, chuyên gia thiết kế 3D, chọn Bangkok làm điểm đến tiếp theo sau 6 năm sống ở Dubai. Cô từng thử sống ở Phuket nhưng nhận ra mình cần một cơ sở hạ tầng tốt hơn để làm việc. "Tôi chọn Bangkok vì đây là một thành phố có chất quốc tế, có nhiều điểm tham quan, nhiều nơi ghé chân. Bầu không khí pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, con người giàu tham vọng. Bạn có thể sống ổn với 1.000 USD mỗi tháng ở đây. Còn với 2.000 USD mỗi tháng, bạn sẽ sống sướng như tiên".

Muriel và Kovalenko là những đại diện tiêu biểu của thế hệ "du mục kỹ thuật số" (digital nomads), một xu hướng làm việc ở giai đoạn hậu Covid-19. Xu hướng này xuất phát từ trào lưu "làm việc tại nhà" (work from home) khi đại dịch hoành hành. Giờ đây, khi dịch bệnh dần được khống chế, nhiều người trẻ không còn muốn quay lại văn phòng.

Cùng với tâm lý "du lịch phục thù" (revenge tourism) sau quãng thời gian bị kìm chân quá lâu, họ sẵn sàng đánh đổi môi trường công sở và những mối quan hệ với đồng nghiệp để sống như dân du mục ở nhiều nơi trên thế giới, làm những công việc liên quan đến kỹ thuật số. Dân du mục kỹ thuật số đa phần đến từ những quốc gia phát triển, muốn lưu trú lâu dài ở một quốc gia có mức sống hợp lý và tiềm năng du lịch, để vừa làm việc vừa trải nghiệm cuộc sống bản địa.

Theo nhận định của tạp chí Forbes, Thế hệ Y (nhóm người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến 1996) là đối tượng "thổi bùng xu hướng này". Forbes cho rằng Thế hệ Y có xu hướng tiêu tiền vào những trải nghiệm như leo núi, các sự kiện âm nhạc hoặc các lớp học nấu ăn, thay vì đầu tư vào những chiếc đồng hồ đắt tiền hay những chiếc xe sang trọng. Một khảo sát về "anywhere worker" (tạm dịch: người làm việc ở bất kỳ đâu) của Lonely Planet chỉ ra rằng 70% dạng lao động này rơi vào độ tuổi từ 24 đến 44, hầu hết đều làm ở lĩnh vực công nghệ và 61% làm toàn thời gian.

Một báo cáo của công ty quản lý trải nghiệm Qualtrics cho biết có tới 80% nhân viên tại Mỹ muốn tìm một công việc cho họ cơ hội sống ở bất kỳ đâu. Các công ty như Lift, Airbnb và 3M điều chỉnh sang mô hình làm việc linh hoạt, còn Spotify tuyên bố "công việc không liên quan đến nơi bạn ở, nó là thứ bạn làm".

Nhiều dân du mục kỹ thuật số tận dụng chính sách này của các công ty để trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài. Nhưng nếu không muốn gắn bó với một công ty cụ thể do khác biệt về múi giờ ở nơi muốn sống, họ có thể làm tự do, nhận những dự án riêng lẻ. Đây được coi là động thái thúc đẩy du lịch ở giai đoạn hậu Covid-19, trong bối cảnh những hoạt động từ xa lên ngôi.

Một địa chỉ quen thuộc của dân du mục kỹ thuật số là trang Nomad List. Đây là nơi bạn có thể tiếp cận nhiều thông tin về mức sống, tốc độ internet, thuế, visa... của hơn 1.200 thành phố trên khắp thế giới. Trong đó, visa là mối quan tâm lớn. Theo công cụ chuyên phân tích xu hướng Exploding Topics, lượt tìm kiếm từ khóa "nomad visa" (visa cho dân du mục) đã tăng hơn 2.400% trong 5 năm qua.

Hội An là điểm đến ưa thích cho người muốn lưu trú dài ở Việt Nam. Ảnh: Marko Randelovic

Hội An là điểm đến ưa thích cho người muốn lưu trú dài ở Việt Nam. Ảnh: Marko Randelovic

Ngày càng có nhiều quốc gia cung cấp một loại visa đặc biệt cho dân du mục kỹ thuật số, cho phép những người này lưu trú trong thời gian tối thiểu từ 6 tháng đến một năm, đi kèm tùy chọn gia hạn. Theo quy định, người làm du mục kỹ thuật số không được làm thuê cho các công ty bản địa, chứng minh được mức thu nhập, có thể đi kèm gia đình (yêu cầu mức thu nhập cao hơn), và đa phần sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi (hoặc miễn thuế tùy quốc gia).

Indonesia mới đây đã công bố loại visa cho dân du mục kỹ thuật số với thời hạn tới 5 năm, cao nhất trong số các quốc gia đã ban hành, miễn thuế thu nhập và không yêu cầu chứng minh thu nhập hàng tháng (chỉ cần hợp đồng với công ty nước ngoài). "Với mức sống thấp ở Indonesia, chúng tôi hy vọng visa cho dân du mục sẽ thu hút được những chuyên gia và quản lý cấp cao của những công ty khởi nghiệp từ Singapore, Hong Kong và Australia", tờ The Jakarta Post viết.

Một quốc gia khác là Costa Rica cũng vừa công bố visa hạn mức một năm, miễn thuế thu nhập cho dân du mục kỹ thuật số. Để được xét duyệt, bạn phải có hợp đồng với một công ty nước ngoài, đủ điều kiện làm việc từ xa và có mức thu nhập tối thiểu 3.000 USD một tháng (tối thiểu 5.000 USD một tháng nếu đi kèm gia đình).

Theo thống kê từ Forbes, hiện có 46 quốc gia trên thế giới quan tâm đến hình thức visa này. Ở Đông Nam Á, Indonesia là nước đầu tiên ban hành. Thái Lan với hai thành phố du lịch nổi tiếng Bangkok, Chiang Mai và những hòn đảo đẹp ở phía nam, được đánh giá là ứng viên tiếp theo.

So với Indonesia và Thái Lan, Việt Nam có nét thu hút riêng với đường bờ biển dài và địa hình phong phú tạo ra những điểm đến hoang sơ. Tạp chí The Travel của Canada từng xếp Việt Nam vị trí 8/10 trong danh sách những điểm đến phù hợp cho dân du mục kỹ thuật số. Theo nhận xét, Việt Nam có những ưu điểm như ẩm thực phong phú, thanh bình, tỷ lệ tội phạm thấp, thời tiết thuận lợi, sinh hoạt phí rẻ và cơ sở hạ tầng tốt. Hiện du khách đến Việt Nam phải xin visa theo cách truyền thống, cho phép lưu trú 14, 15, 30 hoặc 90 ngày tùy quốc tịch.

Theo vnexpress