Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chủ trì Hội nghị lấy ý kiến NVNĐCONN về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Dương Tiêu)
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chủ trì Hội nghị lấy ý kiến NVNĐCONN về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Dương Tiêu)
 
 
 

Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài (NVNĐCONN).

Bộ Ngoại giao đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật này, trong đó Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) được giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến NVNĐCONN đối với dự thảo Luật.

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật

Luật Đất đai hiện hành quy định về quyền sử dụng đất ở khi có quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc về quyền sử dụng đất ở chưa có công trình nhà ở, cụ thể là hạn chế NVNĐCONN chỉ được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở. Điều này ảnh hưởng đến quyền thừa kế đất ở chưa có công trình nhà ở bên ngoài dự án phát triển nhà ở của NVNĐCONN thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trong các lần đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi từ năm 2022 đến nay, trên cơ sở nguyện vọng của bà con và chủ trương đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành trung ương về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Bộ Ngoại giao đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại để NVNĐCONN không những được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà còn được nhận quyền sử dụng đất ở (chưa có công trình nhà ở); không chỉ là đất ở trong dự án phát triển nhà ở mà bao gồm các nguồn đất ở khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã mở rộng phạm vi nhận quyền sử dụng đất cho NVNĐCONN, cho phép bà con thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc nhận quyền sử dụng đất ở, cũng như được chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng mới của người Việt ở nước ngoài
Đại diện kiều bào chia sẻ ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Dương Tiêu)

Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của kiều bào

Thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến kiều bào như tổ chức tọa đàm hoặc trao đổi trực tiếp với cộng đồng NVNONN về chính sách pháp luật, bao gồm Luật Đất đai, tại một số địa bàn năm 2022; phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức Tọa đàm về chính sách pháp luật với NVNĐCONN, bao gồm Luật Đất đai vào tháng 1/2023.

Ngoài ra, Ủy ban đã gửi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tới các hội đoàn NVNONN đề nghị phổ biến, khuyến khích bà con đóng góp ý kiến; đăng tải dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên trang thông tin điện tử và trang Facebook của Ủy ban và đề nghị tất cả các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phổ biến thông tin và triển khai hình thức lấy ý kiến NVNĐCONN đối với Dự thảo Luật này.

Đáng chú ý, ngày 2/3, Ủy ban đã phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến NVNĐCONN về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Hội nghị do Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài đồng chủ trì với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành liên quan, đại diện kiều bào tham dự trực tiếp và trực tuyến từ hơn 30 điểm cầu tại 17 quốc gia ở tất cả các châu lục.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, bao gồm NVNĐCONN với tư cách là đối tượng thụ hưởng chính sách pháp luật đất đai; khẳng định việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến kiều bào để tham mưu, đề xuất các cơ quan chức năng hoàn thiện pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài là công việc thường xuyên của Ủy ban Nhà nước về NVNONN.

Trong quá trình xây dựng và từng bước hoàn thiện, chính sách pháp luật về đất đai và nhà ở đã bám sát và thể chế hoá đường lối và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TWvà Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, góp phần triển khai nhiệm vụ “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh”.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã trình bày tham luận về “Quy định về quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài trong chính sách pháp luật đất đai hiện hành và hướng sửa đổi, bổ sung”.

 

Các ý kiến của kiều bào tập trung vào nội dung các quy định liên quan đến NVNĐCONN, cho rằng Luật Đất đai hiện hành đã quy định về quyền sử dụng đất ở khi có quyền sở hữu nhà ở, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc về quyền sử dụng đất ở chưa có công trình nhà ở, cụ thể là hạn chế NVNĐCONN chỉ được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở (điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai năm 2013).

Chia sẻ tại đây, kiều bào đều bày tỏ mong muốn vướng mắc này được tháo gỡ để được bình đẳng về các quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất như công dân trong nước; giúp tháo gỡ các vướng mắc trong việc cho tặng, nhận thừa kế, chuyển nhượng.

Các đại biểu hoan nghênh và nhất trí với những điểm thay đổi của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi so với Luật Đất đai 2013, nhất là Điều 30; đồng thời đề nghị sửa đổi Điều 47 liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của NVNĐCONN được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để phù hợp với quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 30.

Ngoài ra, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong quản lý đất đai nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất và quản lý sử dụng đất bền vững, toàn diện; mong muốn Dự thảo Luật được xây dựng rõ ràng, chặt chẽ, dễ hiểu, khoa học để các quy định được áp dụng lâu dài, nhất quán, đồng bộ với pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, về đấu giá, đấu thầu, đầu tư.

Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần hai vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm nay.

Các ý kiến đóng góp thực chất này là cơ sở để Ban soạn thảo và các cơ quan chức năng nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai liên quan đến NVNĐCONN để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của bà con kiều bào ta ở nước ngoài.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao sự quan tâm và các ý kiến tâm huyết của các đại biểu kiều bào, đề nghị kiều bào tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) qua các hình thức khác nhau như gửi đến Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng khẳng định, Luật Đất đai là một đạo luật quan trọng, việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi là cần thiết và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vậy, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao sẽ tổng hợp, chuyển tới Ban soạn thảo xem xét tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Có thể nhận thấy việc sửa đổi Luật Đất đai nhận được sự quan tâm của đông đảo bà con kiều bào. Các hoạt động lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật thời gian qua được các cơ quan liên quan và kiều bào đánh giá cao.

Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp của kiều bào đối với dự thảo Luật này (hạn đóng góp ý kiến là ngày 15/3), Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao sẽ chuyển Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan xem xét; tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với nội dung liên quan đến NVNĐCONN của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; rà soát tính tương thích giữa các điều khoản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi).

Theo baoquocte