869.463.853 nhân 73 bằng bao nhiêu?

Trong khi người bình thường loay hoay tìm máy tính, Neelakantha Bhanu Prakash (20 tuổi) - người được mệnh danh là "cỗ máy tính toán nhanh nhất thế giới" - chỉ mất 26 giây để đưa ra đáp án là 63.470.861.269.

Theo Sách Kỷ lục Limca, được coi như kỷ lục Guinness thế giới tại Ấn Độ, trí óc của Bhanu có thể xử lý các con số với tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần so với bộ não thông thường.

Bhanu cho biết anh có thể thực hiện các phép tính phức tạp như vậy với tốc độ chóng mặt bằng cách "thực hành có cấu trúc".

"Giả sử với 8.763 nhân với 8, tôi sẽ nhân: 8.000 với 8 là 64.000, 700 với 8 là 5.600, 60 với 8 là 480, 3 với 8 là 24. Sau đó, tôi cộng các kết quả lại với nhau. Nhưng điều này đòi hỏi bộ não phải nhớ tất cả".

Neelakantha Bhanu Prakash (20 tuổi) được mệnh danh là "cỗ máy tính toán nhanh nhất thế giới".

Bằng cách rèn luyện như vậy, Bhanu giờ đây có khả năng tính toán phi thường. Ngày 15/8 vừa qua, chàng trai đến từ bang Telangana, miền Nam Ấn Độ, giành huy chương vàng tại Giải vô địch thế giới về tính toán của Mind Sports Olympiad ở London.

Bhanu đã đánh bại 29 đối thủ đến từ 13 quốc gia và trở thành người châu Á đầu tiên giành chiến thắng trong lịch sử 23 năm của sự kiện này.

"Tôi không phải là thần đồng"


Vào năm 2005, khi mới 5 tuổi, Bhanu gặp tai nạn giao thông. Ngã đập đầu xuống đường, anh bị vỡ xương sọ và phải khâu 85 mũi trong nhiều lần phẫu thuật.

Khi Bhanu tỉnh dậy gần 7 ngày sau đó, các bác sĩ nói với người thân rằng anh có thể bị suy giảm nhận thức trong suốt quãng đời còn lại do vết thương ở đầu.

Bhanu nằm liệt giường cả năm sau đó.

Trong thời gian hồi phục, Bhanu đã học cách chơi cờ vua, giải các câu đố và cả làm toán để giữ cho bộ não của mình hoạt động trở lại.

"Tôi nhớ rất rõ nỗi đau... Đó là trải nghiệm đau thương nhất mà tôi có trong đời. Tôi thậm chí không thể đi học trong một năm. Tất cả những gì tôi có thể làm để trở nên tốt hơn là tính toán và giải câu đố".

Vết thương ở đầu để lại cho anh một "vết sẹo xấu xí". Để con không bị tổn thương, cha mẹ của Bhanu đã cất tất cả gương trong nhà.

Nhưng anh quyết tâm không để vết sẹo ảnh hưởng đến mình. "Nó thúc đẩy tôi tiến về phía trước. Tôi biết điều mình giỏi nhất và sẽ chứng tỏ bản thân ở đó," anh nói.

Năm 2007, lên 7 tuổi, Bhanu đạt giải ba trong một cuộc thi số học cấp tiểu bang ở Andhra Pradesh. Bhanu nói rằng màn trình diễn của anh đã khiến cha rơi nước mắt. "Đó không phải là huy chương, sự cố gắng của tôi khiến cha xúc động", anh nói.

Bhanu giành vô số giải thưởng toán học.

Kể từ đó, Bhanu liên tiếp giành chiến thắng trong các cuộc thi tính toán, bao gồm Cuộc thi Số học Tốc độ Quốc gia năm 2011 của Ấn Độ.

Và từ năm 13 tuổi, anh đã đại diện Ấn Độ trong các cuộc thi quốc tế và phá vỡ bốn kỷ lục thế giới về tính nhanh, nhân lũy thừa, siêu trừ và tính nhẩm: lũy thừa 2 và 3.

Bhanu cũng phá vỡ 50 kỷ lục Limca và được so sánh với nhà toán học huyền thoại người Ấn Độ Shakuntala Devi.

“Khi tôi cố gắng lập kỷ lục, nó giống như thế giới xung quanh tôi chậm lại. Các tế bào thần kinh khiến chúng ta tin rằng mình có khả năng làm điều không tưởng. Vì vậy, tôi cảm thấy mình giống như một siêu anh hùng".

Tuy vậy, Bhanu không muốn người khác gọi mình là thần đồng. "Tôi chắc chắn không phải là thần đồng. Tôi thấy từ 'thần đồng' hơi rắc rối vì nó không bao hàm những nỗ lực và kinh nghiệm, nó chỉ là một trạng thái không đâu vào đâu", Bhanu nói.

Chàng trai Ấn Độ nhấn mạnh rằng khả năng toán học phi thường của mình không đến một cách dễ dàng mà đạt được nhờ sự nỗ lực không ngừng.

Vết sẹo do tai nạn lúc lên 5 tuổi của Bhanu.

Giúp toán học trở nên thú vị


Đam mê toán học, Bhanu còn đặt mục tiêu giúp mọi người "xóa bỏ chứng sợ toán" - cảm giác sợ hãi của nhiều người đối với toán học, có thể khiến chúng ta né tránh tình huống phải thực hiện phép tính và tác động tiêu cực đến các lựa chọn trong cuộc sống.

Theo một nghiên cứu năm 2002 được công bố trên tạp chí Current Directions in Psychological Science, những cá nhân quá lo lắng về toán học có xu hướng né tránh môn toán. Điều này cuối cùng làm giảm năng lực toán học của họ và cản trở con đường sự nghiệp.

Năm 2018, Bhanu thành lập Exploring Infinities, một tổ chức giáo dục giúp môn toán trở nên thú vị thông qua các trò chơi số học.

Bhanu giải thích: "Ý tưởng bắt đầu khi tôi đến một trường công lập vùng nông thôn (ở Ấn Độ) và nhận ra trẻ em ở đó không biết rằng phép nhân là phép cộng lặp đi lặp lại".

Exploring Infinities có nửa triệu người đăng ký, hoạt động ở Ấn Độ và từng thực hiện các chương trình đào tạo toán học tại Bangladesh và Indonesia trước khi Covid-19 bùng phát. Chương trình có sự tham gia của nhiều sinh viên đến từ Anh và Mỹ.

Bhanu muốn toán học trở nên thú vị, thân thiện trong mắt trẻ em.

Giám đốc điều hành của Mind Sports Olympiad - Etan Ilfeld - cho biết: "Bhanu đã thống trị Giải vô địch thế giới về tính toán. Giờ đây, anh ấy tiếp tục truyền cảm hứng thông qua các buổi diễn thuyết và công ty khởi nghiệp Exploring Infinities.

Bhanu chứng minh rằng bất kỳ ai cũng có thể cải thiện kỹ năng toán học của mình và biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn".

Thành công gần đây của Bhanu tại Mind Sports Olympiad đã thu hút sự chú ý của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phó Tổng thống M. Venkaiah Naidu.

Sau nhiều năm chật vật xin tài trợ của nhà nước để tham gia các cuộc thi quốc tế, Bhanu hy vọng chiến thắng của mình sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, giúp các nhà toán học Ấn Độ hiện thực hóa tham vọng cạnh tranh cấp thế giới.

"Đối với bất kỳ quốc gia nào, để phát triển mạnh mẽ, tính toán là một kỹ năng quan trọng giống như biết đọc, biết viết. Trong khi đó 3/4 học sinh tại các trường công lập Ấn Độ gặp khó khăn trong việc hiểu toán học cơ bản".

Bhanu cho biết chiến thắng Mind Sports Olympiad đầu tiên cũng có thể là cuối cùng của anh tại giải đấu. Vì chàng trai 20 tuổi muốn dành thời gian tập trung vào công việc từ thiện.

“Tôi không nghĩ mình nên tiếp tục tham gia các cuộc thi. Tôi đã ở vị trí mà mọi người có thể nhìn thấy tôi và tốt hơn nên dừng ở đó. Thay vì trở thành gương mặt đại diện cho toán học, tôi muốn trở thành người chống lại chứng sợ toán".

Theo  Zing