Tỷ lệ nữ lãnh đạo trong các công ty lớn được xem là một nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Ảnh minh họa

 

Trong một tuyên bố hôm thứ sáu (20/11/2020), Bộ quản lý các vấn đề về gia đình, người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên của Đức cho biết, chính phủ dự định sẽ áp dụng quy định các công ty niêm yết của quốc gia này có hơn 3 vị trí giám đốc điều hành phải bổ nhiệm ít nhất một phụ nữ vào C-suite. C-suite là một biệt ngữ được sử dụng rộng rãi, mô tả một cụm các giám đốc điều hành cấp cao quan trọng nhất của một tập đoàn. Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.

Bà Franziska Giffey, Bộ trưởng về các vấn đề phụ nữ và gia đình, cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực chấm dứt tình trạng các phòng họp không có phụ nữ tại các công ty lớn". Đây được xem là “bước đột phá lịch sử" đối với lĩnh vực kinh doanh tại Đức. Hơn nữa, Jutta Allmendinger, chủ tịch Trung tâm Khoa học Xã hội WZB Berlin (Đức) cũng đồng tình và hoan nghênh chủ trương mới này.

So sánh với những quốc gia khác, tỷ lệ các vị trí điều hành cấp cao do phụ nữ đảm nhận ở các công ty Đức thấp hơn rất nhiều. Theo Quỹ Allbright của Thụy Điển-Đức, tỷ lệ lãnh đạo nữ chỉ chiếm 12,8% trong ban quản trị của 30 quốc gia niêm yết lớn nhất của Đức. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ đã chiếm 28,6%; ở Thụy Điển là 24,9%; 24,5% ở Anh và 22,2% ở Pháp.

Bà Jutta Allmendinger, Chủ tịch Trung tâm Khoa học Xã hội WZB Berlin (Đức). Ảnh: CNN

 

Cũng theo Qũy Allbright, chưa có một công ty lớn nào của Đức do phụ nữ lãnh đạo. Ngoài ra, có vẻ quốc gia này đang cắt giảm số lượng lãnh đạo nữ trong các công ty lớn. Theo đó, số lượng phụ nữ trong ban quản trị của các công ty có tên trong chỉ số DAX 30 ( DAX ) đã giảm xuống còn 23 vào đầu tháng 9 so với 29 hồi năm trước.

Tuy nhiên, áp dụng chính sách ràng buộc về pháp lý lần này như một công cụ thúc đẩy bình đẳng giới đang vướng phải nhiều tranh cãi. Những người phản đối cho rằng, quy định này có thể dẫn đến việc phụ nữ được thăng tiến một cách không công bằng. Tuy nhiên, so với thời gian trước đây, tỷ lệ thăng tiến của phụ nữ trong các công ty lớn hầu như là rất thấp.

Theo bà Allmendinger, quyết đinh này được đưa ra sau nhiều thập kỷ vận động các biện pháp thực hiện bình đẳng giới tại Đức. "Cuối cùng, những nhà lãnh đạo tại quốc gia này đã bắt đầu ủng hộ cải cách, nhờ nổ lực không mệt mỏi của nhiều phụ nữ", bà chia sẻ.

Bà cũng cho biết thêm: “Bất chấp thành công của chúng tôi, chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm". Đồng thời, bà cũng chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường sự đa dạng rộng rãi hơn trong các cơ quan quản lý và giải quyết bất bình đẳng cơ cấu trong hệ thống thuế mà bà cho rằng có lợi cho những người trụ cột là nam giới.

Đức đã thông qua hạn ngạch bắt buộc đối với các ban giám sát vào năm 2015, với hiệu quả là phụ nữ hiện chiếm 36% vai trò trong ban không điều hành tại các công ty lớn. Trong khi đó, 5 quốc gia EU khác là Bỉ, Pháp, Ý, Áo và Bồ Đào Nha, đã áp dụng hạn ngạch giới tính bắt buộc cho hội đồng quản trị của các công ty niêm yết lớn.

Tác động của hạn ngạch bắt buộc về lãnh đạo nữ trong ban quản trị của các công ty lớn ở nhiều quốc gia đã cho thấy tiến độ thực hiện bình đẳng giới đang được cải thiện. Theo số liệu thống kê, năm 2020, phụ nữ chiếm 37% thành viên hội đồng quản trị của các công ty niêm yết lớn nhất ở các quốc gia thành viên có hạn ngạch ràng buộc. Trong khi đó, các quốc gia chỉ có biện pháp tức thời hoặc không có hành động, tỷ lệ này chỉ chiếm 25%.

Phương Thanh (Theo CNN)