Đức không muốn liều mở cửa, châu Âu tiếp tục siết biện pháp chống dịch
Cập nhật lúc 16:17, Thứ hai, 16/11/2020 (GMT+7)
Bộ trưởng Kinh tế Đức nói rằng biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19 mà nước này vừa tái áp đặt cách đây 2 tuần có thể sẽ kéo dài đến gần nửa năm.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier - Ảnh: REUTERS
"Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khu rừng. Chúng ta không thể chịu được việc đóng cửa tới lui với việc đóng cửa rồi lại mở cửa kinh tế", Bộ trưởng Peter Altmaier nói trên tờ tuần báo Bild am Sonntag.
Đức đã tái áp đặt các biện pháp gần như là phong tỏa để kìm hãm làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đang ập vào nước này cũng như nhiều nước châu Âu khác.
Theo đó, các nhà hàng, quán bar, phòng tập gym và các cơ sở giải trí khác phải đóng cửa, dù trường học và cửa hàng vẫn được phép hoạt động.
Số ca mắc COVID-19 mới ở nước này đã chững lại nhưng vẫn còn rất cao, khoảng 23.000 ca trong ngày 13-11.
"Chúng ta phải chung sống với các biện pháp hạn chế và phòng ngừa trong ít nhất từ 4 đến 5 tháng. Chúng ta không muốn số ca nhiễm mới lên đến 50.000 mỗi ngày, giống ở Pháp cách đây vài tuần… Những nước gỡ bỏ hạn chế quá sớm đến nay đã phải trả giá đắt về nhân mạng", ông Altmaier cảnh báo.
Nhiều quan chức Đức trước đó cũng cảnh báo khoản thời gian khó khăn sẽ kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
Tại châu Âu, nhiều nước tiếp tục siết các biện pháp chống dịch. Theo Hãng tin Reuters, cảnh sát đã phải tăng cường các chốt kiểm soát ở thủ đô Paris để đảm bảo người dân tuân thủ các biện pháp chống dịch. Ngày 15-11, họ đã giải tán một bữa tiệc có đến 400 người.
Chính phủ Áo ngày 15-11 thông báo sẽ khôi phục các hạn chế để phòng chống đại dịch COVID-19, bao gồm việc đóng cửa trường học và các cửa hàng không thiết yếu. Theo Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, nước này sẽ tái phong tỏa từ ngày 17-11 tới 6-12.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza đã ban hành chỉ thị mới bổ sung 2 vùng là Campania và Toscana vào danh sách vùng đỏ - vùng có rủi ro cao nhất về dịch COVID-19 từ ngày 15-11.
Theo tuoitre