Euro-Akademie ở Jena
Đã từ lâu, bang Thüringen gặp khó khăn trong vấn đề chăm sóc người già: Số người phải được chăm sóc gia tăng, nhưng số lượng nhân lực chuyên môn lại không thể theo kịp. Có quá ít thanh niên trẻ cho ngành này.
Bà Liane Michaelis Trưởng dự án của Euro-Akademie giải thích: „Ở Việt Nam có tới 60% dân số được sinh ra sau năm 1975 và ở đó thì sức lao động dư thừa“. Vì từ thời CHDC Đức còn có nhiều mối liên hệ với Việt Nam, nên người ta nảy sinh ý tưởng tuyển thanh niên trẻ từ đất nước châu Á này để đào tạo thành điều dưỡng viên.
Mỗi dự án ở Gera và Pößneck đã có 20 học sinh học nghề và giờ đây, dự án thí điểm cũng bắt đầu ở Jena từ ngày 1/4/2016.
Các học sinh học nghề Việt Nam thường từ 25 tới 30 tuổi, đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và trải qua đào tạo ngành y ở Việt Nam, ví dụ như làm hộ lý hoặc y tá, nhưng vì bằng đào tạo nghề của Việt Nam không được công nhận tại Đức, nên họ phải học nghề lại.
Thông qua học viện Goethe ở Hà Nội, họ đã học nền tảng của tiếng Đức. Từ ngày 1/4/2016, họ học tiếp tiếng Đức, trước khi bắt đầu học nghề trong ba năm từ 1/9/2016, nhưng đồng thời cũng học thêm tiếng Đức. Những học sinh Việt Nam ký hợp đồng đào tạo với các chủ lao động địa phương như Arbeiterwohlfahrt, Chữ Thập Đỏ Đức, nhà dưỡng lão Curanum hoặc Phönix cũng như những nhà dưỡng lão khác.
Bà Silke Gudernatsch, Hiệu trưởng trường dạy nghề của Euro-Akademie ở Göschwitz cho biết: „Các điều kiện, việc trả lương cũng như nội dung đào tạo hoàn toàn giống như học sinh học nghề Đức“.
Việc lựa chọn và môi giới nhân lực ở Việt Nam được tiến hành thông qua đối tác là „Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư An Viet Thanh“ ở Hà Nội.
Đối với bà Liane Michaelis thì việc chọn Việt Nam là nước đối tác rất thích hợp cho dự án này, bởi vì người Việt Nam có ý thức trách nhiệm, sẵn sàng vì công việc, có động cơ thúc đẩy cao. Ngoài ra, người cao tuổi được kính trọng trong xã hội Việt Nam.
Năm 2013, Bộ Kinh tế Liên bang Đức đã bắt đầu một dự án thí điểm „Đào tạo nhân lực Việt Nam thành điều dưỡng viên“ với 100 người. Sau một khóa tiếng Đức ở học viện Goethe, họ được đào tạo thành điều dưỡng viên ở các bang Baden-Württemberg, Bayern, Berlin và Niedersachsen. Từ 2015, một dự án tiếp theo đã được tiến hành với 100 người Việt Nam nữa. Theo Bộ Kinh tế, số người cần phải chăm sóc sẽ tăng từ 2,3 triệu người hiên nay lên khoảng 3,4 triệu người vào năm 2030. Nếu không có biện pháp hữu hiệu để đối phó thì sẽ thiếu khoảng 500.000 điều dưỡng viên./.
Theo VOV.VN