Tại Nam Sudan - quốc gia trẻ nhất thế giới thuộc Đông Phi - nỗi ám ảnh thường trực như đói nghèo, thiên tai, xung đột xã hội và dịch vụ y tế khan hiếm đang làm gia tăng tỉ lệ tử vong của phụ nữ mang thai. Nắng nóng kéo dài liên quan đến biến đổi khí hậu càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
“Nhiều người mẹ sống tại khu vực nông thôn hẻo lánh có ít cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết trong thai kỳ. Trong những ngày nhiệt độ cao cực điểm, việc chăm lo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em càng khó khăn hơn” - Elias - hiện công tác tại ForAfrika, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên viện trợ giáo dục và y tế cho trẻ em châu Phi - chia sẻ.
|
Thai phụ chờ tiêm vắc xin COVID-19 trong một bệnh viện phụ sản tại TP Chennai, bang Tamil Nadu, Ấn Độ - Nguồn ảnh: Reuters |
Nhìn nhận nghiêm túc hiểm họa
Các đợt sóng nhiệt rất nguy hiểm với phụ nữ có thai. “Chúng làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc dẫn tới tình trạng trẻ sinh ra nhẹ cân, gầy yếu” - Elias cảnh báo.
Theo một kết quả phân tích quy mô, tổng hợp từ 70 công trình nghiên cứu từ giữa thập niên 1990 đến nay, đăng năm 2020 trên tập san y khoa British Medical Journal (Anh) - cứ mỗi 1 độ C tăng lên, tỉ lệ thai chết lưu và sinh non tăng thêm khoảng 5%.
Năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hiệp quốc đã đề cập đến nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. “Đây là một bước ngoặt trọng yếu về nhận thức” - giáo sư Kristie L. Ebi - Đại học Washington (Mỹ), chuyên gia đang cộng tác cùng IPCC - nhận định. “Biến đổi khí hậu từng chỉ được xem như một vấn đề môi trường. Dần dà, mọi người bắt đầu nhận thức nghiêm túc hơn về ẩn họa cuộc khủng hoảng này có thể gây ra cho toàn thể cộng đồng” - bà nói.
Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tổng kết: chỉ 23/196 bên ký kết Thỏa thuận chung Paris 2015 đề ra nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của họ. Trong số này chỉ có vài nước nghèo như Nam Sudan, Bờ Biển Ngà của châu Phi và Campuchia, Sri Lanka của châu Á.
Angela Baschieri - chuyên viên của UNFPA - bày tỏ: “Đáng buồn là rất ít quốc gia nhận ra khủng hoảng khí hậu đang đe dọa sức khỏe thai phụ và trẻ sơ sinh ra sao. Cũng ít quốc gia đang chú trọng vào việc nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế cho phụ nữ”.
Đầu tư đúng cách để bảo vệ phụ nữ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận, mỗi năm có hơn 4,5 triệu thai phụ và trẻ sơ sinh tử vong, chủ yếu ở khu vực Hạ Sahara (châu Phi), Trung và Nam Á. “Số ca tử vong của sản phụ hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng những chính sách thiết thực. Cứu lấy người mẹ cũng chính là bảo vệ sinh mạng cho đứa trẻ. Thế nhưng giờ đây, khí hậu biến đổi đang tạo thêm áp lực cho từng quốc gia” - Baschieri nói.
Elias cho biết: ở Nam Sudan, hạn hán cùng hàng loạt sự thay đổi thời tiết tiêu cực thời gian qua làm gia tăng các trường hợp suy dinh dưỡng, thiếu máu ở phụ nữ mang thai. Gần 7,8 triệu người dân nước này (chiếm 2/3 dân số) đang đối mặt nạn đói do biến đổi khí hậu. Trong số họ, Liên hiệp quốc ước tính có khoảng 738.000 thai phụ bị suy dinh dưỡng.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thai phụ trong thời tiết khắc nghiệt, việc giảm giờ làm việc, tăng cường trang bị thiết bị giải nhiệt là những giải pháp được khuyến khích. Tuy nhiên, ở những quốc gia đang phát triển, những giải pháp trên là xa xỉ. Tại Campuchia, nơi 85% lao động ngành may mặc và 75% lao động nông nghiệp là nữ giới, các tổ chức nhân quyền đang kêu gọi cải thiện môi trường làm việc, nhằm bảo vệ phái yếu tốt hơn trước biến đổi khí hậu.
Phó giáo sư Sari Kovats - chuyên ngành khí hậu và sức khỏe cộng đồng, Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London (Anh) - đề xuất: “Chính phủ các nước nên chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống chăm sóc y tế linh động, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhờ đó, phụ nữ sẽ giảm thiểu việc phải chịu đựng thời tiết thất thường để tìm đến dịch vụ khám thai, khám sức khỏe tiền và hậu sản”.
Theo phụ nữ TPHCM