Đầy rẫy “bóc phốt”, “đấu tố”

Tự bao giờ, mạng xã hội trở thành nơi để người dùng “trút giận”, bày tỏ mọi hỉ-nộ-ái-ố và sẵn sàng đấu tố, “bóc phốt” nhau. Nhiều vụ việc không còn nằm trong phạm vi những mối liên hệ bạn bè, cá nhân mà trở thành đề tài kéo cộng đồng mạng vào bình luận, mổ xẻ. Gần như ngày nào trên mạng xã hội cũng có những sự vụ “drama”, trở thành chủ điểm quan tâm của đám đông. Hết đợt này lại đến đợt khác và cứ thế, không gian mạng dần xây đắp nên một diện mạo đám đông hết sức xấu xí và tiêu cực.

Mới đây nhất là chuyện một tiệm trang điểm lên mạng “bóc phốt”, chỉ trích một cô gái là khôn lỏi khi cô chọn gói dịch vụ trang điểm tiệc bình thường nhưng sau đó lại xuất hiện trong một lễ cưới với tư cách là cô dâu. Lý do tiệm này đưa ra là nếu trang điểm cô dâu thì giá sẽ cao hơn nhiều so với trang điểm đi tiệc bình thường. Vụ đấu tố khá khó hiểu này bị đưa lên mạng, trở thành chủ đề bàn tán công khai. Hình ảnh cô dâu bị đăng tải, bêu rếu tại các hội nhóm/diễn đàn về trang điểm, làm đẹp. Cộng đồng mạng thì chia phe, tranh luận... Đây không chỉ là ứng xử kém của cá nhân người bóc phốt mà còn là hành vi phạm luật khi tự ý đăng tải hình ảnh, bôi xấu người khác trên mạng xã hội. 

Nhào dzô - tác phẩm của họa sĩ Hữu Lộc, đoạt giải khuyến khích Biếm họa Báo chí Việt Nam lần V/2018, thể hiện mặt trái của đám đông trên mạng xã hội - Nguồn ảnh: TTXVN
Nhào dzô - tác phẩm của họa sĩ Hữu Lộc, đoạt giải khuyến khích Biếm họa Báo chí Việt Nam lần V/2018, thể hiện mặt trái của đám đông trên mạng xã hội - Nguồn ảnh: TTXVN
 

Một ngày sau vụ việc trên, mạng xã hội lại xuất hiện vụ “tố” người thứ ba, kéo theo đó là lời giải thích của những người trong cuộc. Một bộ phận dân cư mạng lại bị cuốn vào scandal mới. Rồi những “drama” không hồi kết từ hoa khôi Nam Em và bạn trai cùng vô số những vụ việc tố nhau khác. Nguy hiểm hơn, điều này đã và đang được xem như chuyện thường ngày. Ngoài trang cá nhân của người dùng, còn có rất nhiều hội/nhóm kín hoặc công khai chuyên được dùng để “đấu tố” nhau. Chuyện bêu rếu trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề với rất nhiều đối tượng khác nhau tham gia đã phơi bày một thực trạng kém văn hóa về ứng xử cộng đồng trên mạng xã hội.  

Suy cho cùng, cộng đồng mạng chỉ là những người ngoài cuộc tiếp nhận thông tin rồi phân tích, suy diễn và bình luận theo những góc nhìn chủ quan. Một số cười cợt mua vui; số khác bày tỏ sự hằn học, phán xét, phẫn nộ. Dù theo cách nào, họ vẫn góp một tay “thêm dầu vào lửa”, cùng đẩy sự việc đi xa bản chất ban đầu. Hành vi tố, "bóc phốt” hay bình luận kém văn hóa những tưởng là “đòi lại công bằng” hay đám đông mua vui, vô thưởng vô phạt nhưng hậu quả lại rõ ràng.

Người bị ảnh hưởng uy tín, danh dự khi đời tư bị phơi bày, bóp méo; kẻ phải nhận chỉ trích, phê phán nặng nề vô lý từ những người không rõ danh tính. Những cá nhân liên quan bị cuốn vào vòng xoáy bàn phím ấy cũng một phần nào đó vô tình cho người khác thấy mặt trái trong nhân cách đạo đức của bản thân, mà chính họ cũng không nhận ra.

Bạo lực mạng bằng ngôn từ

Kết nối xuyên quốc gia, có khả năng tạo trend, viral và mang đến nhiều giá trị ưu việt cho người dùng là những mặt tích cực của mạng xã hội. Nhưng ở chiều ngược lại, mạng xã hội cũng tạo ra những “anh hùng bàn phím” và một bộ phận người dùng tự cho mình quyền phán xét, lên án, bôi nhọ, chửi mắng, miệt thị người khác. 

Cái tôi càng cao, người dùng mạng xã hội càng ít chịu lép vế trong những cuộc tranh luận hay im lặng trước những vấn đề “hot” mỗi ngày. Câu chuyện ngồi lê đôi mách trong thời đại công nghệ được nhận diện ở tầng mức cao hơn, với đám đông lớn hơn và được gọi bằng cụm từ: “hóng drama”. Ngôn từ kém văn hóa trên mạng xã hội, khi được dùng để tấn công cá nhân, không khác gì hành vi bạo lực tinh thần. Hệ lụy của điều này sẽ kéo dài và dẫn đến tình trạng “băng hoại đạo đức”, xói mòn giá trị, hủy hoại những chuẩn mực đạo đức mà văn hóa truyền thống đã xây dựng, bồi đắp hàng thế kỷ. Khi đám đông nhân danh “cộng đồng mạng” mặc sức thể hiện cái tôi phán xét, tha hồ chỉ trích, miệt thị người khác thì không gian mạng cũng như cái chợ bát nháo ngôn từ. Cái xấu lại thường nổi trội, lấn át và dễ tạo ra năng lượng tiêu cực tràn lan. 

Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được ban hành, trong đó có quy tắc ứng xử lành mạnh: “Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam”. Nhưng thực trạng ứng xử kém văn hóa của một bộ phận người dùng mạng xã hội đã và đang tiếp tục tồn tại, đến mức báo động. 

Hành vi ứng xử kém văn hóa trên mạng xã hội đã không còn là câu chuyện của thế giới ảo nữa mà là diện mạo văn hóa của cộng đồng. Đó là chuyện không hề nhỏ ở thời đại 4.0. 

Cải thiện được tình trạng này hay không trước tiên là tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Đừng góp phần tạo ra “đám đông xấu xí” trên mạng xã hội là điều mỗi người trong chúng ta cần làm. 

Theo phụ nữ TPHCM