Ảnh minh họa. (Nguồn: KRCC)
Theo kết quả khảo sát, 85% số công dân EU được hỏi tin rằng tiêm chủng là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, trong khi gần 50% cho biết họ đã tham gia tiêm phòng trong 5 năm gần đây và 79% số người được hỏi cho biết họ đã tìm đến các chuyên gia y tế để được tư vấn về tiêm chủng.
Mặc dù vậy, 48% số người được hỏi vẫn khăng khăng một cách mù quáng rằng vaccine thường gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong khi đó, 38% số người được hỏi cho rằng vaccine có thể gây ra các căn bệnh, thay vì bảo vệ con người khỏi những căn bệnh đó.
Đây là lần đầu tiên một cuộc khảo sát về quan điểm của người dân đối với tiêm phòng được tiến hành tại EU. Trong một tuyên bố, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jyrki Katainen nhấn mạnh: "Kết quả trên cho thấy nhiệm vụ của chúng tôi là phải tăng cường phổ biến kiến thức về tiêm phòng vaccine và đấu tranh chống lại các thông tin sai lệch về hoạt động y tế cộng đồng này".
Ông Katainen nhấn mạnh tiêm chủng là một trong những biện pháp y tế công cộng thành công nhất từ trước đến nay. Vaccine không chỉ giúp đề phòng dịch bệnh và cứu sống nhiều người, mà còn giúp giảm thiểu các chi phí điều trị y tế. Điều này đã được chứng minh trong hơn 2 thế kỷ qua.
Theo ông Katainen, có một xu hướng thể hiện rõ trên toàn cầu trong những năm gần đây, đó là người dân các nước phương Tây quay lưng với việc tiêm vaccine do có nhiều thông tin sai lệch về hoạt động này, đặc biệt là các vaccine sởi, quai bị và rubella. Và kết quả cho thấy trong năm 2019, số bệnh nhân mắc sởi ở Mỹ đã lên tới con số kỷ lục, mặc dù nước này đã tuyên bố "xóa sổ" bệnh sởi từ năm 2000.
Trên thực tế, phong trào “chống vaccine” bắt nguồn từ năm 1974 khi một báo cáo được công bố tại Anh cho rằng, 22 trẻ sau khi tiêm vaccine ho gà có triệu chứng chậm phát triển và có triệu chứng động kinh. Tiếp đó, năm 1998, Tiến sĩ Andrew Wakefield đã đăng trên tạp chí The Lancet một bài báo cho rằng vaccine phòng bệnh sởi có khả năng gây ra rối loạn phát triển ở trẻ, mà hậu quả cuối cùng là chứng tự kỷ. Mặc dù đã có nhiều công trình khoa học bác bỏ những kết luận sai lầm trên, song hệ quả của trào lưu nguy hiểm này đang trở thành mối đe dọa toàn cầu.
Đến nay, phong trào "chống vaccine" đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại với sức khỏe y tế toàn cầu. Năm ngoái, dịch sởi đã bùng phát ở cấp độ toàn cầu, trong đó có cả những quốc gia phát triển, với 136.000 ca tử vong.
Tại Mỹ, nơi bệnh sởi hầu như đã được loại bỏ từ năm 2000, việc không tiếp tục tiêm phòng đã khiến số ca nhiễm sởi tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2017 và 2018, lên tới 791 ca. Gần đây, dịch sởi cũng bùng phát cả ở hai thành phố lớn New York và Washington và số bệnh nhận nhiễm sởi tại nước này trong năm nay đã là 695 người.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ukraine, Philippines và Brazil là ba quốc gia tăng số ca nhiễm sởi cao nhất trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018. Chỉ tính riêng ở Ukraine, năm 2018 đã có 35.120 ca mắc sởi.
Thậm chí, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng đây là một mối hiểm họa đe dọa sức khỏe toàn cầu trong năm 2019. Tổ chức này gọi những thông tin sai lệch về tiêm phòng là 1 trong 10 mối đe dọa lớn nhất đối với y tế cộng đồng trong năm 2019.
Theo kế hoạch, WHO và EC sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về tiêm chủng toàn cầu vào ngày 12/9 tới tại Brussels (Bỉ).
Theo baoquocte