Facebook nỗ lực giảm thiểu bất bình đẳng giới bằng những cuộc khảo sát quy mô lớn

Theo Facebook, cuộc khảo sát đã lấy mẫu đại diện thống kê gồm 461.748 cá nhân sử dụng Facebook, trong đó có 6.076 người ở Việt Nam. Phạm vi khảo sát trải dài trên 7 khu vực (theo phân loại của Ngân hàng Thế giới), bao gồm 208 quốc gia, vùng lãnh thổ và hải đảo, bằng 80 ngôn ngữ.

Những người trả lời đã được mời thực hiện khảo sát thông qua ứng dụng Facebook, với sự tham gia hoàn toàn tự nguyện và không có thù lao.

Cuộc khảo sát tập trung vào bốn lĩnh vực cụ thể: quyền ra quyết định trong gia đình; nội trợ và các công việc nhà; thái độ và niềm tin về bình đẳng giới, tác động của dịch Covid-19 đối với cuộc sống của họ.

Tổ chức này nhận định, vẫn còn thực tế diễn ra là một số dữ liệu về phụ nữ và trẻ em gái thường thiếu tin cậy, lỗi thời hoặc không đầy đủ, điều này dẫn đến sự  chênh lệch về nhận thức và ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định, làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng giới trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), từ giáo dục, chăm sóc sức khỏe đến việc làm.

Chính vì vậy, nghiên cứu này giúp xóa bỏ những khoảng cách đó, sử dụng các nguồn dữ liệu thay thế để bổ sung cho các dữ liệu thông thường nhằm giúp các nhà nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức phát triển toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách và những người ủng hộ bình đẳng giới theo dõi và xử lý các vấn đề về bình đẳng giới.

Cuộc khảo sát đưa ra những thông tin quan trọng về tác động không đồng đều mà Covid-19 đã gây ra với hai giới. Các dữ liệu nổi bật có thể kể đến như:

87% số người được hỏi đồng ý rằng, nam giới và phụ nữ đều cần có cơ hội như nhau (ví dụ: về giáo dục, việc làm, đưa ra quyết định trong gia đình). 89% số nữ giới  và 85% số nam giới đồng ý với ý kiến này.

52% số người được hỏi cho biết, trong 30 ngày gần đây, họ lo lắng về việc không có đủ thức ăn vì thiếu tiền hoặc các nguồn lực khác. Số nữ giới bày tỏ ý kiến này là 56%, trong khi số nam giới là 49%.

89% người tham gia khảo sát cho biết họ bị hạn chế hoặc không có khả năng tiếp cận với nguồn tài chính của gia đình, trong đó nữ giới chiếm 91% và nam giới là 87%

Các mối quan tâm chính của những người được hỏi trong đại dịch Covid-19 bao gồm: 27% cho rằng có đủ tiền để duy trì gia đình là mối quan tâm chính (28% nữ giới, 27% nam giới). Trong khi đó, 30% cho rằng tương lai công việc của họ là mối quan tâm chính (29% nữ giới, 32% nam giới). Và 12% cho biết việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe là mối quan tâm chính (12% nữ giới, 11% nam giới).

57% số người cho biết họ đã tăng thời gian chăm sóc các thành viên gia đình trong đại dịch COVID-19 so với trước đây. Sự thay đổi này được thể hiện ở 58% nữ giới và 55% nam giới được hỏi.

45% số người cho biết họ đã tăng thời gian làm việc nhà trong đại dịch Covid-19 so với trước đây. Trong đó có 46% nữ giới và 44% nam giới.

D.H