Vụ Facebook khóa tài khoản của ông Donald Trump (trái) đang khiến nhiều người chú ý về quyền lực của mạng xã hội này và nhà sáng lập nền tảng này - tỉ phú Mark Zuckerberg - Ảnh: AFP
Quyết định này bắt nguồn từ việc Facebook "cấm cửa" cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vì cáo buộc ông đã lợi dụng nền tảng này để kích động cuộc bạo loạn tại đồi Capitol ngày 6-1.
"Luật" mới của Facebook
Dù có vẻ liên quan trực tiếp đến ông Trump song quy định mới của Facebook cũng sẽ có tác động lớn đến các quốc gia khác, đến các nguyên thủ và chính trị gia nổi tiếng đang sử dụng mạng xã hội này.
Giờ đây, bất kỳ lãnh đạo quốc gia nào đều có thể bị Facebook "xử lý" nếu phát ngôn của họ bị mạng xã hội này cho là "không phù hợp".
Lãnh đạo nhiều nước bắt đầu chú ý hơn tới các mạng xã hội sau khi ông Trump bị Facebook, Twitter và YouTube khóa tài khoản với lý do kích động bạo loạn ở đồi Capital ngày 6-1. Đây là chuyện chưa từng có tiền lệ ở Mỹ cũng như trên thế giới.
Ngày 4-6, Facebook thông báo sẽ đình chỉ tài khoản của ông Trump ít nhất đến tháng 1-2023, tức sau cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ sẽ diễn ra trong tháng 11-2022.
Người phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, ông Nick Clegg, cho rằng ông Trump "xứng đáng chịu hình phạt cao nhất hiện có" của Facebook.
Cũng theo ông Clegg, Facebook sẽ từ bỏ một giả định của chính họ vào năm 2019 cho rằng phát biểu của các chính trị gia là "đáng tin cậy" và "gắn liền với lợi ích công chúng".
Điều này cũng có nghĩa dù là bài viết của các quan chức và lãnh đạo quốc gia nhưng nếu vi phạm nguyên tắc của Facebook vẫn có thể bị xử lý như thường.
Trong khi Twitter tuyên bố đình chỉ vĩnh viễn tài khoản hơn 88 triệu người theo dõi của ông Trump, Facebook vẫn loay hoay với việc nên làm gì với tài khoản của cựu tổng thống.
Có lẽ điều này xuất phát từ việc ông Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành và là nhà sáng lập Facebook, tuyên bố công ty này không nên tự xem mình là "trọng tài của sự thật".
Facebook thoạt đầu quyết định đình chỉ vô thời hạn tài khoản của ông Trump, nhưng sau đó nhờ "ban cố vấn Facebook" - một nhóm gồm các chuyên gia độc lập nhưng được tài trợ bởi Facebook - xem xét lại quyết định đó.
Trong thông báo trong tháng 5 vừa qua, nhóm này ủng hộ việc đình chỉ tài khoản của ông Trump song cho rằng sẽ là sai lầm lớn nếu cấm vô thời hạn cựu tổng thống.
"Phán quyết của Facebook là sự xúc phạm với 75 triệu người theo dõi tôi và những người đã bỏ phiếu cho tôi trong cuộc bầu cử tổng thống bị gian lận năm 2020", cựu tổng thống Donald Trump chỉ trích ngày 4-6.
Theo ông Trump, Facebook đang cố gắng kiểm duyệt nội dung và nước Mỹ không nên im lặng "chấp nhận sự lạm dụng" của các mạng xã hội như Facebook.
"Lần tới khi tôi ở Nhà Trắng, sẽ không có bữa tối nào như Mark Zuckerberg và vợ anh ta đề nghị. Tất cả sẽ là công việc", cựu tổng thống cảnh báo.
Cuộc chiến quốc gia ảo - thật
Báo New York Times của Mỹ nhận xét chưa bao giờ các chính phủ lại "đồng lòng" tấn công ngành công nghệ nói chung và các mạng xã hội nói riêng như hiện nay. Mặc dù động lực của mỗi nước khác nhau song tất cả đều có chung một lo lắng là các nền tảng như Facebook và Twitter đang sở hữu quyền lực chi phối quá lớn, vượt quá cả quyền lực nhà nước.
Gần đây nhất, Twitter đã bị chặn truy cập tại Nigeria sau khi xóa bài đăng của tổng thống nước này hôm 3-6.
Mạng xã hội có hơn 330 triệu người dùng mỗi tháng này cũng đối mặt lệnh cấm hoạt động tại Nga, Ấn Độ và một số nước khác vì không tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý.
Chính quyền Anh sẽ lập cơ quan quản lý, giám sát ngành công nghệ và mạng xã hội. Tại Úc, Facebook từng đối đầu với chính phủ liên bang về việc trả tiền cho các nội dung báo chí trước khi đi đến chấp nhận nhượng bộ.
Cuộc đối đầu giữa Facebook, Twitter với chính phủ các nước chỉ là một phần trong cuộc chiến lớn hơn giữa ngành công nghệ và các chính phủ.
Khi những nền tảng này bắt đầu tự cho mình quyền kiểm duyệt nội dung với lý do bảo vệ người dùng và ổn định xã hội cũng là lúc họ tự mở ra "chiếc hộp pandora" cho chính mình.
Trong thần thoại Hy Lạp, hộp pandora chứa đầy rẫy tai ương nhưng vì sự tò mò mà nhân loại đã mở ra và khiến thế giới gặp đủ loại thiên tai, dịch bệnh. Facebook hay các mạng xã hội khác có thể sẽ không lường trước được họ sẽ đối mặt điều gì nếu kỳ vọng tìm kiếm quyền lực vượt trên cả các quốc gia có chủ quyền.
Theo New York Times, mặc dù sự xuất hiện của ban cố vấn giúp Facebook tránh bị mang tiếng là "trọng tài sự thật" song quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay mạng xã hội này.
Ban cố vấn chỉ đưa ra các khuyến nghị, còn việc nên làm gì với các bài viết gây tranh cãi của giới chính khách là do Facebook tự quyết định.
Cần phải nói thêm chính Facebook đã tạo ra "lá chắn" cho các chính trị gia khi cho rằng miễn là lợi ích cộng đồng lớn hơn thì tập đoàn này sẵn sàng cho qua các bài viết vi phạm nguyên tắc của mình, theo tạp chí Vox.
Theo tuoitre