Vì sao Messenger không cung cấp mã hóa đầu cuối? - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Theo Makeuseof, Facebook Messenger là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không giống như WhatsApp có mã hóa tất cả tin nhắn theo mặc định, Facebook Messenger thì không. Điều này có thể gây ra mối lo ngại lớn về quyền riêng tư. Và câu trả lời vì sao Messenger không cung cấp mã hóa sẽ được giải thích dưới đây.

Mã hóa đầu cuối cho tin nhắn là gì?

Mã hóa trò chuyện có thể có nhiều dạng khác nhau, nhưng cụ thể ở đây là mã hóa end-to-end. Đây là quá trình xáo trộn dữ liệu tin nhắn để ngăn bất kỳ ai khác ngoài người gửi và người nhận xem nó. Nó được sử dụng bởi các dịch vụ nhắn tin để bảo vệ quyền riêng tư của các tin nhắn do người dùng gửi. Có một số ứng dụng trò chuyện có mã hóa đầu cuối gồm iMessage, Signal và Whatsapp.

Tại sao Facebook Messenger không hỗ trợ?

Một điểm mạnh của Facebook là nó có thể được truy cập từ hầu hết thiết bị. Bạn có thể đăng nhập vào tài khoản của mình thông qua bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet và ngay lập tức có quyền truy cập vào tất cả tin nhắn của bạn.

Tuy nhiên, sự truy cập dễ dàng này cũng là lý do tại sao các cuộc trò chuyện trên Messenger không được mã hóa theo mặc định.

Các nền tảng nhắn tin như iMessage, Signal và tất nhiên là WhatsApp do Facebook sở hữu sẵn sàng cung cấp mã hóa đầu cuối vì người dùng thường truy cập các nền tảng này bằng thiết bị duy nhất. Không giống như Messenger, nơi bạn có thể đăng nhập tài khoản của mình vào nhiều thiết bị cùng một lúc.

Việc kích hoạt mã hóa end-to-end trên các cuộc trò chuyện theo mặc định trong khi vẫn duy trì khả năng truy cập dễ dàng hiện tại là một công việc khó khăn và Facebook không ngại ngần khi thừa nhận điều đó.

Liệu Facebook Messenger có thực sự an toàn?

Nếu bạn lo lắng về quyền riêng tư của các cuộc trò chuyện của mình trên Messenger, thì có một tính năng trong ứng dụng mà bạn có thể sử dụng để thực hiện các cuộc trò chuyện được mã hóa. Nó được gọi là Secret Conversations.

Facebook Messenger hiện được ưa chuộng sử dụng - ẢNH: AFP

Tính năng này được mã hóa đầu cuối. Các cuộc trò chuyện ở chế độ này chỉ có thể được đọc trên một thiết bị và có thể được đặt lệnh tự hủy sau khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, mặc dù mã hóa bảo vệ tin nhắn của bạn không bị tin tặc đọc được, nhưng hãy nhớ rằng người nhận vẫn có thể chia sẻ cuộc trò chuyện với người khác thông qua ảnh chụp màn hình.

Tin nhắn, hình dán, hình ảnh, video và bản ghi âm giọng nói được gửi trong Secret Conversations được mã hóa. Tuy nhiên, không thể sử dụng Secret Conversations để gửi tin nhắn nhóm, ảnh GIF, thanh toán và thực hiện cuộc gọi thoại và video.

Vì vậy ta có thể thấy Facebook Messenger cung cấp một sự thỏa hiệp công bằng giữa tính linh hoạt và bảo mật. Nó phục vụ hiệu quả những người dùng sử dụng tài khoản của họ trên nhiều thiết bị khác nhau.

Theo thanhnien