Gái mại dâm bị mắc kẹt trong nhà thổ sau khi đất nước bị phong tỏa. Ảnh: India Today.

Gái mại dâm bị mắc kẹt trong nhà thổ sau khi đất nước bị phong tỏa. Ảnh:India Today/Getty Image.

 

Tại Mumbai, lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan Covid-19 hồi tháng trước đã gây ra cuộc di cư hàng loạt của những người lao động trong thành phố khi các doanh nghiệp tạm đóng cửa. Nhưng đối với hàng nghìn gái mại dâm sống ở các thành phố trên khắp Ấn Độ, khi lệnh đóng cửa nhà thổ có hiệu lực, họ chẳng có nơi nào để đi. Mất thu nhập chỉ sau một đêm khiến nhóm người được đánh giá dễ bị tổn thương này rơi vào khủng hoảng. 

Bani Das, đến từ Kranti, hoạt động trong tổ chức phi chính phủ vì trẻ em của gái mại dâm ở Mumbai, chạy theo lối đường nhỏ dưới sự chỉ dẫn của cảnh sát đến phía nam Kamathipura - một trong những khu vực đèn đỏ lâu đời, lớn và mật độ dày nhất của Ấn Độ.

Khi cô ra khỏi taxi, những người phụ nữ đang đứng ở cửa nhà ùa ra và vây quanh. "Trái tim tôi thắt lại. Tôi chỉ có 100 gói thực phẩm nhưng số người kéo tới tăng lên hàng trăm", Bani chia sẻ với Al Jazeera.

Cảnh sát liên tục nhắc nhở những người này phải giữ khoảng cách, nhưng điều đó là không thể. Chỉ vài phút, số phần ăn đã hết sạch.  

Đất nước 1,3 tỷ dân rơi vào hỗn loạn sau lệnh phong tỏa hôm 24/3, gây ra cuộc thảm họa nhân đạo trên khắp đất nước. Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi phải xin lỗi vì quyết định này, nói rằng đây là biện pháp không thể tránh khỏi nhằm ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Đến nay, Ấn Độ có 9.205 ca dương tính và 331 trường hợp tử vong.

Ngày 8/4, tổ chức Global Network of Sex Work Projects (NSWP) và UNAIDS đưa ra tuyên bố nhấn mạnh sự khó khăn và phân biệt đối xử đối với gái mại dâm trong thời gian này. Đồng thời kêu gọi các nước đảm bảo quyền con người của họ được tôn trọng. "Gái mại dâm nào cũng cần có trách nhiệm tự cách ly ở bất cứ thời gian, địa điểm nào theo yêu cầu của chính phủ. Tuy nhiên, khi họ bị loại trừ khỏi các gói bảo trợ xã hội, họ phải mạo hiểm sự an toàn, sức khỏe và cả tính mạng để sống sót...", thông báo có đoạn.

Chính phủ công bố gói cứu trợ trị giá 22,5 tỷ USD cho người nghèo nhưng không rõ liệu nó có được gửi cho người bán dâm hay không. Cho đến nay, viện trợ dưới dạng thực phẩm nấu chín và khẩu phần ăn chủ yếu được cung cấp bởi các cá nhân và tổ chức phi lợi nhuận địa phương, kèm theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cảnh sát.

Hoạt động mại dâm ở Ấn Độ giống như một ngành nghề không chính thức của nền kinh tế, được quản chế bởi luật. Việc gạ gẫm bán dâm nơi công cộng và tổ chức mua bán dâm là bất hợp pháp. Dù chưa có số liệu chính thức, song số lượng gái mại dân ở quốc gia này có thể ở khoảng 1,25 đến 3 triệu người. Trung bình, mỗi gái đứng đường thu nhập khoảng 100-800 rupee (tương đương 1,3 đến 10,5 USD) cho mỗi khách. 

Thông thường, khách hàng của họ là công nhân nhập cư, tài xế xe tải và những người đàn ông xa gia đình. Nhưng nhóm đối tượng này cũng đang chật vật với cuộc khủng hoảng kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp đóng cửa vì phong tỏa. 

Cách 1.400km về phía bắc của trung tâm tài chính Mumbai, Garstin Bastion là khu phố đèn đỏ lớn nhất ở thủ đô New Delhi. Đây là nơi tập trung của 78 nhà thổ, có 2.225 phụ nữ ở bên trong, theo tổ chức Kat-Katha. 

Giới chức cho biết, khoảng 1.200 phụ nữ vẫn đang ở trong các nhà thổ, một số đã rời đi. 

Gái bán hoa ở Ấn Độ chật vật sinh tồn thời Covid-19 - 2

 

Nếu là buổi tối như thường lệ, Sunita (đã đổi tên) rất bận rộn. Nhưng bây giờ, thời gian như ngừng chuyển động. "Tôi chưa bao giờ thấy một điều gì đó như thế này. Bây giờ vào buổi tối, chúng tôi xem TV, chơi ludo và làm mọi thứ để giữ cho mình như bận rộn", người phụ nữ 45 tuổi chia sẻ. 

Duy trì khoảng cách xã hội hoặc giãn cách vật lý, điều được coi là chìa khóa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, trở thành điều xa xỉ tại nơi này, khi cô chia sẻ chỗ ở với 15 phụ nữ khác và 10 đứa trẻ con của họ. 

"Ưu tiên của tôi là giữ an toàn. Chúng tôi sẽ làm bất cứ thứ gì có thể và mong sớm thoát khỏi tình cảnh này. Tôi cần có tiền cho việc học của con gái và kết hôn. Nó có ước mơ trở thành nhân viên cảnh sát", cô nói. 

Tình hình tài chính trở nên tồi tệ hơn vì những người bán dâm thường không có tiền tích lũy. Hiện tại, họ sợ không đủ trả tiền thuê nhà và sau cùng là không có nơi nào để ở.  

Ở thành phố phía đông Kolkata, một yêu cầu đang được đưa ra cho các chủ sở hữu nhà chứa là hoãn tiền thuê cho gái mại dâm trong ít nhất 3 tháng. "Họ chẳng có cách nào trả tiền trong tình hình này. Những người vô gia cư còn được ở trong trại tị nạn, nhưng chẳng ai thừa nhận sự tồn tại của gái mại dâm", Urmi Basu, Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ New Light Kolkata về những người hành nghề mại dâm, nói. 

Kolkata là nơi có phố đèn đỏ lớn nhất trong cả nước, bao gồm Sonagachi và Kalighat.

Tổ chức phi chính phủ phân phát đồ ăn cho gái mại dâm.

Tổ chức phi chính phủ phân phát đồ ăn cho gái mại dâm.

 

Ủy ban Phụ nữ Quốc gia (NCW), cơ quan phụ trách các vấn đề chính sách của phụ nữ, cho hay sẽ xem xét vấn đề của những người hành nghề mại dâm. "Chúng tôi nghe nói họ không nhận được lương thực do phong tỏa. Chúng tôi sẽ nêu vấn đề với các quan chức liên quan và đưa ra chiến lược phù hợp", Chủ tịch NCW Rekha Sharma nói. 

Tại hầu hết khu đèn đỏ ở các trung tâm đô thị, nhiều phụ nữ sống cùng nhau trong một ngôi nhà nhỏ, căn phòng vài mét vuông. Những nhà thổ đổ nát lụp xụp ở con phố chật hẹp - nơi cách biệt cộng đồng là thứ khó mà thực hiện. "Bạn có thể tưởng tượng 50 người dùng chung một nhà tắm không. Thường thì còn chẳng có nước", Sandhya Nair (23 tuổi), con gái của một gái bán dâm lớn lên ở Kamathipura, nói. 

"Làm thế nào để vừa giữ khoảng cách vừa duy trì vệ sinh cần thiết chứ?", Nair, học sinh ở New Delhi hiện sống trong một nhà tị nạn ở Mumbai, nói. 

Cô cũng tự hỏi liệu có ai bận tâm về một bộ phận thậm chí còn bị thiệt thòi hơn trong xã hội - những người chuyển giới. "Khi nào thì gái mại dâm sẽ được coi là con người có nhu cầu cơ bản xứng đáng được đáp ứng?", Nair nói. 

Việc tiếp cận với y tế càng trở nên khó khăn do sự lo lắng về Covid-19. Nhiều gái mại dâm mắc bệnh, họ có tỷ lệ dương tính HIV và bệnh lao đặc biệt cao. "Tuần trước, một trong những phụ nữ ở Kamathipura bắt đầu ho ra máu. Không có bệnh viện nào tiếp nhận cô ấy. Cuối cùng, một bác sĩ địa phương cho cô ấy uống thuốc, nhưng cô ấy cần phải trải qua nhiều xét nghiệm hơn", Nair nói.

Bác sĩ Daksha Shah điều trị bệnh lao ở Mumbai và Shrikala Acharya - giám đốc dự án bổ sung của Hiệp hội phòng chống AIDS - nói rằng việc phân biệt đối xử là không được dung thứ. "Bệnh nhân là bệnh nhân, các trạm y tế, trạm xá và trung tâm y tế công cộng phải mở cửa cho mọi người", Shah nói.   

Ông Acharya cho biết tổ chức đảm bảo việc điều trị bằng thuốc kháng virus cho bệnh nhân nào cần. "Chúng tôi cũng đưa ra một đường dây nóng trợ giúp bệnh nhân nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận với thuốc hơn", Acharya nói.

Gitanjali Babbar - người sáng lập Kat-Katha, cho biết có rất nhiều vấn đề căng thẳng trong không gian hạn chế tại những nhà thổ này. "Trên hết đó là cảm giác thiếu thốn và thất nghiệp. Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ phải giải quyết các vấn đề tâm lý của họ", ông nói. 

Theo Ione