Gần 400 triệu trẻ nhỏ bị bạo lực tại nhà
Cập nhật lúc 10:02, Thứ năm, 13/06/2024 (GMT+7)
Hôm 10/6, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF ) cho biết gần 400 triệu trẻ em dưới 5 tuổi - khoảng 60% trong độ tuổi đó trên toàn cầu - phải chịu đựng kỷ luật bạo lực về thể chất hoặc tâm lý tại nhà, từ đánh đòn đến lăng mạ.
|
|
Theo dữ liệu từ 85 quốc gia, khoảng 1/8 trẻ em dưới 5 tuổi không có bất kỳ đồ chơi nào - Ảnh: UNSPLASH |
Số liệu UNICEF thu thập ở 100 quốc gia từ năm 2010 đến năm 2023 và bao gồm cả “hình phạt thể chất” và “xâm phạm tâm lý”.
Đối với UNICEF, lạm dụng tâm lý có thể bao gồm việc la mắng một đứa trẻ hoặc gọi chúng là “ngu ngốc” hoặc “lười biếng”, trong khi lạm dụng thể chất bao gồm lắc, đánh hoặc đánh đòn trẻ hoặc bất kỳ hành động nào nhằm gây đau đớn hoặc khó chịu về thể xác mà không gây thương tích.
Theo cơ quan của Liên hiệp quốc, trong số gần 400 triệu trẻ em, khoảng 330 triệu trẻ phải chịu hình phạt về thể xác.
Và ngay cả khi ngày càng có nhiều quốc gia cấm trừng phạt thân thể trẻ em thì gần 500 triệu trẻ em dưới 5 tuổi vẫn không được bảo vệ về mặt pháp lý trước những hành vi như vậy.
Theo UNICEF, cứ 4 bà mẹ thì có hơn 1 người tin rằng các hình phạt về thể xác là cần thiết để giáo dục con cái một cách đúng đắn.
Giám đốc điều hành UNICEF, Catherine Russell cho biết: “Khi trẻ em bị lạm dụng thể chất hoặc lời nói ở nhà hoặc khi chúng không được người thân yêu chăm sóc về mặt xã hội và tinh thần, điều đó có thể làm suy yếu ý thức về giá trị bản thân và sự phát triển của chúng. Nuôi dưỡng và nuôi dạy con vui vẻ có thể mang lại niềm vui và cũng giúp trẻ cảm thấy an toàn, học hỏi, xây dựng kỹ năng và định hướng thế giới xung quanh”.
Theo dữ liệu từ 85 quốc gia, cứ 2 đứa trẻ ở độ tuổi 4 thì có một đứa không thể chơi với người chăm sóc chúng ở nhà và khoảng 1 trong 8 đứa trẻ dưới 5 tuổi không có bất kỳ đồ chơi nào.
Khoảng 40% trẻ em từ 2 đến 4 tuổi không nhận được đủ sự tương tác có ý nghĩa ở nhà.
Và cứ 10 trẻ thì có 1 em không được tham gia các hoạt động “quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nhận thức, xã hội và cảm xúc, như đọc, kể chuyện, ca hát và vẽ...
Bà Russell nói: “Chúng ta phải đoàn kết và cam kết chấm dứt bạo lực đối với trẻ em và thúc đẩy việc chăm sóc tích cực, nuôi dưỡng và vui tươi”.
Theo phụ nữ TPHCM