Trẻ em đi bộ gần cơ sở giam giữ người di cư trái phép vào ngày 06 tháng 10 năm 2021 tại Eisenhuttenstadt, Đức. Hình ảnh Maja Hitij/Getty
Trẻ em ở cơ sở giam giữ người di cư trái phép tại Eisenhuttenstadt, Đức - Ảnh: Maja Hitij/Getty

 

Tập thể báo chí xuyên biên giới thực hiện cuộc điều tra Lost in Europe (Mất tích ở châu Âu). Dữ liệu thu thập từ 31 quốc gia châu Âu cho thấy, ít nhất 51.433 trẻ vị thành niên tị nạn không có người đi cùng đã được đăng ký mất tích từ năm 2021 đến cuối năm 2023, và con số thực tế có thể cao hơn.

Aagje Ieven - tổng thư ký của Missing Children Europe, một liên đoàn tập hợp các tổ chức cơ sở trên khắp lục địa - cho biết số lượng các trường hợp được báo cáo ngày càng tăng như một lời nhắc nhở về nhiều trường hợp vẫn chưa được phát hiện.

Trong số 31 quốc gia được liên hệ, dự án Lost in Europe nhận được 20 phản hồi, trong đó có 7 quốc gia thiếu dữ liệu cần thiết và 11 quốc gia không phản hồi.

Ý và Áo dẫn đầu về số lượng trẻ vị thành niên không có người đi cùng đăng ký, với lần lượt là 22.899 và 20.077 trường hợp. Tiếp theo là Bỉ, Đức và Thụy Sĩ với khoảng 2.200 đến 1.200 trường hợp được báo cáo.

Bà Aagje Ieven lo ngại những đứa trẻ mất tích có nguy cơ cao trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người, buôn lậu, trở thành nạn nhân bị bóc lột trong ngành công nghiệp tình dục.

Một đứa trẻ tị nạn nhìn qua hàng rào tại trại tị nạn Moria vào ngày 20 tháng 5 năm 2018 ở Mytilene, Hy Lạp. Hình ảnh Adam Berry / Getty
Một đứa trẻ di cư nhìn qua hàng rào tại trại tị nạn Moria, Hy Lạp

 

Một nghiên cứu của Đại học Ghent năm 2022 cho thấy, 84% trẻ em đã trải qua bạo lực thể xác trong quá trình di cư đến châu Âu và hơn 90% chứng kiến điều đó. Theo Liên hiệp quốc, trẻ em chiếm khoảng 40% số người phải di dời trên thế giới. Trong khi chạy trốn chiến tranh và xung đột, hàng ngàn trẻ bị tách khỏi gia đình và người thân, có những trẻ được cha mẹ gửi đi du lịch một mình để đảm bảo sự sống.

Afghanistan là quốc gia có trẻ di cư nhiều nhất. Ít nhất 1/3 trẻ vị thành niên Afghanistan không có người đi cùng đã mất tích ở châu Âu từ năm 2021 đến 2023. Sau Afghanistan là Syria, Tunisia, Ai Cập và Maroc.

Bà Patricia Durr - giám đốc điều hành của ECPAT UK, một tổ chức vì quyền trẻ em - nói rằng tình hình này cho thấy cuộc khủng hoảng trong việc bảo vệ trẻ em.

Bà nêu thêm lo ngại về tác động của Hiệp ước Di cư và tị nạn mới của EU, được Nghị viện châu Âu phê duyệt vào tháng 4/2024, sẽ gây nguy hiểm đối với trẻ em khi di chuyển.

“Các biện pháp như cho phép trẻ em bị giam giữ vì mục đích sàng lọc rõ ràng là vi phạm các quyền của trẻ em theo luật pháp quốc tế và sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị mất tích, lạm dụng và buôn bán” - bà nói.

Theo phụ nữ TPHCM