leftcenterrightdel
 Hầu hết phụ nữ bị bạo hành không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào - SHUTTERSTOCK

Ngày 27.5, tại Thanh Hóa, Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông phổ biến luật pháp, chính sách về bình đẳng giới cho gần 150 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành liên quan, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ một số tỉnh, thành phố.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam 2021 - 2025” do UN Women, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) thực hiện dưới sự tài trợ của Chính phủ Úc. Hoạt động này mong muốn sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng phát huy trách nhiệm và tính chủ động trong hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, hướng đến chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) từng chịu 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực, trong đó có bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, kiểm soát hành vi và bạo lực tình dục. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền, và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước 15 tuổi. Đáng chú ý, trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

Phát biểu tại sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women, nhấn mạnh: “Những chính sách, luật pháp là cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam trong thời gian 5 - 10 năm tới. Việc cập nhật chính sách, luật pháp mới cho các bên liên quan là rất quan trọng để đảm bảo việc thực thi hiệu quả trong đời sống hằng ngày của người dân thay vì chỉ là hình thức trên giấy tờ”.

Theo thanhnien