leftcenterrightdel
Người di cư xếp hàng chờ được phát bữa ăn miễn phí tại Omdurman, Sudan, ngày 1/8 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Trong một báo cáo được công bố tại thủ đô Nairobi của Kenya ngày 22/8, Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD) cho biết gần 63 triệu người trên khắp vùng Sừng châu Phi đang phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong khi 11 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính và cần được hỗ trợ nhân đạo.

Báo cáo cảnh báo xung đột, biến đổi khí hậu, lạm phát và nợ công gia tăng đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đói nghèo và suy dinh dưỡng trong khu vực.

Tổng thư ký điều hành IGAD Workneh Gebeyehu nêu rõ: "Những con số này cho thấy một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực của chúng ta. Các hiện tượng khí hậu cực đoan và khủng hoảng kinh tế đang dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ chưa từng có, khiến hàng triệu sinh mạng gặp nguy hiểm."

Ông Gebeyehu kêu gọi 7 quốc gia thành viên của IGAD, bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda, tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng dân cư địa phương đang phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực và thiếu nước do biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của IGAD, những tác động kéo dài do đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu mưa 5 mùa liên tiếp, lũ lụt liên quan đến hiện tượng khí hậu El-Nino và giao tranh giữa các cộng đồng đã khiến cho khủng hoảng đói nghèo ở vùng Sừng châu Phi trở nên trầm trọng hơn.

25% dân số được phân tích tại 7 quốc gia IGAD sẽ phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính vào năm 2024, trong đó cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan đẩy hàng triệu người đến bờ vực của nạn đói.

Báo cáo cho rằng tình trạng nghèo đói tràn lan, nạn mù chữ, xung đột do tranh chấp tài nguyên, bất bình đẳng và khủng hoảng khí hậu đã gây ra tình trạng khan hiếm lương thực tại vùng Sừng châu Phi, nơi số người bị đói đã tăng từ 61,9 triệu người trong năm 2023 lên gần 63 triệu người vào năm 2024.

Ông Abdi Fidar, người phụ trách Trung tâm Dự báo và Ứng dụng khí hậu thuộc IGAD, nhấn mạnh khu vực này cần giải quyết các nguyên nhân chính gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng, chẳng hạn như xung đột, hạn hán triền miên và tình trạng suy thoái môi trường để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Ông Fidar cho rằng để xây dựng khả năng chống chịu của các cộng đồng dân cư địa phương, chính phủ các nước nên đầu tư vào nông nghiệp sinh lãi sớm, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và tăng cường các biện pháp ứng phó với những tình huống bất ngờ như bảo quản cỏ khô và nước cho gia súc.

Cùng ngày 22/8, Liên minh châu Âu (EU) thông báo phân bổ thêm 122 triệu euro (khoảng 135 triệu USD) viện trợ nhân đạo cho 3 nước ở vùng Sừng châu Phi là Ethiopia, Somalia và Nam Sudan.

Thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ EU giải ngân thêm 122 triệu euro cho viện trợ nhân đạo ở vùng Sừng châu Phi vì khu vực này vẫn đang phải đối mặt với tác động do các cuộc xung đột và thảm họa liên quan đến khí hậu như hạn hán và lũ lụt.

Trong số viện trợ bổ sung này, 42 triệu euro sẽ được chuyển đến Ethiopia, 40 triệu euro cấp cho Somalia và 40 triệu euro được chuyển đến Nam Sudan; theo đó, nâng tổng số tiền viện trợ của EU cho các quốc gia này lên hơn 421 triệu euro cho đến nay.

EC nhấn mạnh hơn 70 triệu người ở vùng Sừng châu Phi đang cần hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức./.

Theo vietnamplus