leftcenterrightdel
Nhiều người trẻ không muốn quay cuồng trong công việc như cha mẹ mình. Ảnh:Rodnae Productions/Pexels. 

Năm 2008, Isaiah Thomas chỉ mới lên 7 nhưng đã đủ lớn để biết gia đình mình đang gặp khó khăn. Bố mẹ anh sẽ ngủ ngay khi đi làm về và rời nhà vào sáng sớm. Họ buộc phải tăng ca để trang trải cuộc sống và việc thiếu thời gian ở bên gia đình đã trở thành một điều khó quên trong lòng Thomas.

“Việc cha mẹ tôi cứ phải chăm chăm làm việc kiếm sống đã ảnh hưởng tới tôi. Và tôi nghĩ rằng, những người thuộc thế hệ Z đã phải trải qua cuộc sống đó như tôi đều không muốn điều này tiếp diễn nữa”, anh chia sẻ. 

Khi bắt đầu đi làm, Thomas tự mình giảm bớt khối lượng công việc để nơi làm việc trở nên “dễ thở” hơn và mong muốn giúp thế hệ tương lai không phải trải qua tuổi thơ giống như mình.

Hơn bất kỳ thế hệ nào, những người lao động sinh sau năm 1997 đặc biệt đề cao sự công bằng trong công việc và từ chối tuân theo các chuẩn mực mang tính bóc lột và tư tưởng lỗi thời tại các công ty.

Giọt nước tràn ly

Thời gian gần đây, chủ đề về Gen Z ở nơi làm việc nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần người lao động trẻ tuổi bị cho là lười biếng, thích nghỉ việc và thường từ chối thực hiện những điều mà các thế hệ trước vẫn chấp nhận làm.

Thế nhưng, nhiều cuộc khảo sát chỉ ra rằng thế hệ trẻ ngày nay sẽ phát triển theo hướng khác xa với hình ảnh một người không phân biệt rõ công tư. Họ đang tích cực đẩy lùi những hành vi xấu có khả năng biến nơi làm việc thành một môi trường độc hại.

“Trong thời gian làm việc tại Starbucks, tôi không hiểu sao mình phải chịu đựng sự đối xử tệ như thế. Tôi nghĩ rằng dù làm việc trong nhà hàng hay bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta đều xứng đáng có môi trường làm việc lành mạnh”, Laila Dalton (20 tuổi), sinh viên đại học mới bị Starbucks sa thải vì tổ chức một cuộc phản đối tại chỗ làm, kể lại.

leftcenterrightdel
 Lối tư duy chấp nhận hoàn cảnh không còn phù hợp. Ảnh:Andrea Piacquadio/Pexels.
 

Khi Dalton phàn nàn về việc không được tôn trọng trong công việc hay điều kiện làm việc tồi tệ, nhiều người nghe phủ nhận mối quan tâm của cô. Đa số họ cho rằng đó là điều hiển nhiên khi làm trong ngành này. Nhưng bản thân cô và những người bạn đồng trang lứa đều không chấp nhận lối suy nghĩ đó.

Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội các học giả cấp trung học Mỹ trên 11.000 người ở độ tuổi trung học và đại học cho thấy ưu tiên hàng đầu của thế hệ này khi chọn một nhà tuyển dụng đó là sự đối xử công bằng cùng với chất lượng môi trường làm việc và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Và họ cũng có nhiều khả năng từ bỏ để tìm một chỗ tốt hơn nếu như công việc đó không đáp ứng được yêu cầu của mình. Tuy nhiên đây không phải hiện tượng mới xuất hiện, Millennial trước đó cũng đã bị Gallup, công ty tư vấn và phân tích tại Mỹ, gọi là “thế hệ nhảy việc”.

Điều này có thể hiểu một cách đơn giản rằng thế hệ trẻ muốn có một cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình và không ngại đấu tranh vì nó. Jade Carson (22 tuổi), nhà sáng tạo nội dung, nói: “Tôi muốn được làm công việc có thể phát triển bản thân và chuyên môn của mình. Tôi không muốn đi làm trong căng thẳng, chán nản và chỉ đợi hết giờ”.

Biến suy nghĩ thành hành động

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ. Thay vì nghỉ làm, nhiều lao động trẻ đã chọn tạo ra sự thay đổi từ bên trong thông qua tự mình tích cực hành động tại chỗ làm hay đứng lên cùng nhau.

“Người trẻ luôn sẵn sàng tìm mọi cách để cải thiện nơi làm việc và công việc của họ, đặc biệt là nếu họ không đủ khả năng để nghỉ việc và tìm một công việc khác”, Jun Sin (23 tuổi), nhà hoạt động xã hội, cho hay.

Jacqui Germain, tác giả của một bài viết trên tạp chí Teen Vogue, đã gọi Gen Z là thế hệ ủng hộ hoạt động công đoàn nhất nước Mỹ.

Thomas chia sẻ: “Nhiều người thuộc thế hệ Z nhận thức được cần có sự thay đổi. Vì vậy, chúng tôi coi công đoàn là con đường khả thi nhất bởi không thể kỳ vọng gì nhiều ở các công ty”.

leftcenterrightdel
 Thế hệ trẻ đang cùng đứng lên đấu tranh thay đổi môi trường làm việc. Ảnh:Fox/Pexels.
 

Với sự thành thạo về công nghệ thông tin, Gen Z đã thành công khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Twitter và TikTok như công cụ để tuyên truyền.

Elise Joshi (20 tuổi), quyền giám đốc điều hành của Gen-Z for Change, một tổ chức phi lợi nhuận do thanh niên lãnh đạo, hoạt động với mạng lưới 500 người sáng tạo và nhà hoạt động trực tuyến đưa ra ý kiến về các vấn đề lớn.

Joshi cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng sự sáng tạo mình có thông qua phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá những thông điệp về quyền của người lao động. Rõ ràng là các vấn đề đều có liên quan với nhau và chúng ta cần cùng giải quyết tất cả chúng cùng một lúc”.

Thay vì chỉ tập trung vào đòi hỏi mức lương cao hơn, người lao động trẻ ngày nay còn đấu tranh cho công bằng chủng tộc, quyền chuyển đổi giới tính và quyền tự do sinh sản. Họ nhận thấy rằng bộ mặt một nền kinh tế đến từ nhiều thứ hơn là tiền lương.

Theo zingnews