Luisa Hernandez (30 tuổi) đến từ bang Zulia, Venezuela, bất lực nhìn cảnh 6 đứa con phải nhịn đói, thiếu chất trầm trọng và gầy giơ xương.
“Bới rác tìm thức ăn không thể kéo dài mãi, rồi cũng sẽ cạn kiệt. Do đó, chúng tôi bỏ nhà ra đi”, Luisa nói về tình trạng kinh tế nghèo nàn, mỗi lúc một xuống dốc đang bủa vây cả Venezuela.
Song, khó khăn lại tiếp tục chồng chất khi đại dịch Covid-19 lan rộng và tấn công khu vực Mỹ Latin, khiến bảy mẹ con mắc kẹt ở biên giới với Colombia. Một lần nữa, cả nhà lại rơi vào tình trạng túng quẫn.
Mắc kẹt ở biên giới, phụ nữ không còn lựa chọn nào khác ngoài nghe theo lời những kẻ buôn người.
Nạn thất nghiệp, thiếu lương thực trầm trọng ở quốc gia mệnh danh là “đất nước của các hoa hậu” khiến ít nhất 4,5 triệu người dân tìm cách thoát khỏi quê hương. Trên con đường tị nạn, phụ nữ trở thành đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất khi là mục tiêu của bạo lực, tấn công tình dục và buôn người trái phép.
Gia đình bán con gái với giá 1 USD
Mối lo virus lây lan khiến vấn đề xâm nhập bất hợp pháp càng được kiểm soát chặt chẽ ở biên giới các quốc gia. Những người tị nạn Venezuela phải dạt về các con đường hẻo lánh, giáp ranh với các nước láng giềng. Không ít gia đình bị mắc kẹt tại khu vực này, khi đi tiếp cũng không được mà quay về cũng vô ích.
“Những kẻ buôn người và các nhóm tội phạm có vũ trang thường tính phí khoảng 2,5 USD/người để dẫn bạn qua Colombia. Song, không có gì đảm bảo an toàn 100%, nhất là khi bạn là phụ nữ”, Paola Vargas (36 tuổi), sống ở khu vực biên giới giữa 2 nước, cho biết.
“Kẻ xấu thường lợi dụng thực tế rằng phụ nữ tị nạn phải tìm cách chăm sóc cho những đứa trẻ đi cùng để ép họ trao đổi thân xác. Những cô gái đó khó có lựa chọn nào khác. Bán dâm trở thành con đường duy nhất để duy trì cuộc sống vào thời điểm này”, Paola nói thêm.
Bỏ quê hương đi tị nạn, nhiều người dân Venezuela càng bế tắc hơn khi dịch bệnh xảy đến, tấn công khu vực Mỹ Latin.
“Các gia đình đói ăn, cạn kiệt tiền bạc đang bán con gái của mình vào các nhà thổ. Những thiếu nữ mới chỉ 12 tuổi và bị bán với mức giá rẻ mạt 1 USD”, Jana Lopez (60 tuổi), một tình nguyện viên giúp đỡ các gia đình tị nạn, cho biết.
“Còn những kẻ buôn người đang săn lùng ‘con mồi’ tiềm năng. Nhiều thiếu nữ bị đánh thuốc mê và cưỡng hiếp. Ngoài ra, các nhóm tội phạm có vũ trang đang cố chiêu mộ các bé trai, bé gái mới chỉ 10 tuổi vào phục vụ chúng”, cô nói.
Khi các tổ chức nhân đạo cũng bất lực trong việc giúp đỡ, những người tị nạn Venezuela đang mắc kẹt ở biên giới với Colombia, Peru hay Ecuador phải đối mặt với hai lựa chọn. Một là chờ đợi đại dịch kết thúc, hai là quay trở về nhà.
Ước tính 70.000 người tị nạn vẫn đang chôn chân ở Cúcuta (Colombia), thành phố sát biên giới 2 nước.
Một người mẹ dắt theo hai người con trai đi trên con đường gần biên giới với Ecuador.
Đi khách với giá rẻ mạt
Ởmột khía cạnh khác, các cô gái Venezuela dạt sang các nước láng giềng, làm gái mại dâm cũng rơi vào tình cảnh túng quẫn vì dịch.
Tại Ecuador, kiểm dịch bắt buộc được tiến hành từ tháng 4. Đến tháng 5, các cô gái Venezuela hành nghề mại dâm bị buộc phải rời khỏi nhà thổ và đến các góc phố ở Machala, gần biên giới với Peru, để tìm kiếm khách hàng.
“Những cô gái đó vẫn thường sang các nước xung quanh khu vực để hành nghề, kiếm tiền gửi về gia đình bởi ở Venezuela, tình hình kinh tế đang ngày càng tồi tệ hơn. Nhưng với tình hình hiện tại, nuôi ăn đủ cho bản thân cũng trở nên xa vời”, Karina Bravo, một nhà hoạt động xã hội, cho biết.
Theo Bravo, hai năm trước, những cô gái người Venezuela đi bán dâm sẵn sàng nhận mức giá 9 USD cho mỗi lần phục vụ, mức giá chỉ bằng một nửa so với gái mại dâm Colombia.
“Còn hiện giờ, không thiếu người chấp nhận đi khách với giá 2 USD ít ỏi bởi nếu không đồng ý, họ sẽ chẳng có nổi một đồng thu nhập”.
Trong khi đó, trợ cấp của chính phủ đang ở ngoài tầm với với những người làm dịch vụ này. Các trung tâm y tế đã dừng cung cấp bao cao su và từ chối kiểm tra sức khỏe cho gái mại dâm.
Mặt khác, các biện pháp cứu trợ nhân đạo cho người tị nạn lại thiếu hụt trầm trọng. Nơi ở, thức ăn và phương án bảo vệ cho phụ nữ, các bé gái tuổi vị thành niên đều không đủ để cung cấp cho số người tị nạn Venezuela đang ngày càng tăng lên.
Trong 4 năm qua, trung bình người tị nạn ở quốc gia Nam Mỹ này chỉ nhận được 125 USD tiền trợ cấp, con số ít hơn nhiều so với người tị nạn ở Syria. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của quốc tế, số người tị nạn ở Venezuela được dự đoán sẽ vượt quá 6 triệu người vào cuối năm nay.
Theo Zing