Theo một số nhà xuất khẩu, gạo Việt Nam nên biết cách “neo giá” cao hơn - ẢNH: PHÚ THUẬN
Đúng là trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, gạo VN nay đã có giá xuất ngang ngửa, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng |
“Lên đời” nhờ EVFTA
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), liên tiếp trong nhiều ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn giữ ở mức cao hơn nhiều thị trường khác với cùng loại sản phẩm. Ngày 13.8, cập nhật bảng giá gạo xuất khẩu của VFA cho thấy, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 - 497 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan chỉ giao dịch mức 473 - 477 USD/tấn; Ấn Độ từ 378 - 382 USD/tấn; Pakistan từ 423 - 427 USD/tấn... Như vậy, với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của các nước: Thái Lan 20 USD/tấn, Ấn Độ 115 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn.
Trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới là Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang giữ giá cao nhất. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), xác nhận giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nay “tốt hơn nhiều” so với gạo của Thái Lan. Ông nói: “Đúng là trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, gạo Việt Nam nay đã có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm đến 20 USD/tấn. Đây là tin rất tốt và tín hiệu lạc quan cho hạt gạo Việt”. Tuy nhiên ông Đôn bổ sung, có một số lý do khiến giá gạo 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới vượt mặt gạo Thái Lan. Thứ nhất do đồng baht Thái tiếp tục tăng giá so với đồng USD khiến xuất khẩu bị thiệt thòi. Thứ hai, loại gạo 5% tấm hiện nay cũng đã hết, vụ hè thu ít người trồng loại này nên cung không đủ cầu, giá tăng mạnh.
Nhìn một cách tổng thể thị trường xuất khẩu gạo, ông Đôn vẫn khẳng định gạo xuất khẩu Việt Nam đang có giá tốt với nhiều loại, không riêng 5% tấm. Chẳng hạn, các giống gạo DT8 hiện đang bán với giá 570 USD/tấn trong khi vụ trước chỉ bán giá cao nhất là 540 USD/tấn. Hoặc gạo 5451, hiện công ty của ông Đôn đang xuất khẩu với giá 540 - 550 USD/tấn, trong khi vào vụ đông xuân trước, mức giá cao nhất cũng tầm 500 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), bổ sung giá gạo Việt đang có chiều hướng tốt hơn nhờ truyền thông thế giới đưa thông tin về gạo thơm của Việt Nam vào EU được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA). “EU là thị trường đẳng cấp, cứ gắn tên gạo Việt với thị trường này thì “hữu xạ tự nhiên hương” mà lên. Giá gạo Việt được đánh giá cao và thu mua với giá tốt hơn trong thời gian qua, nhờ EVFTA một phần không nhỏ. Thương hiệu gạo Việt đang được chú ý phần nào trên thị trường thế giới, sau cái tên Thái Lan là có thật. Chính vì điều đó, chúng tôi mới đàm phán xuất được gạo sang Pháp dưới tên của công ty, không xuất thô nữa. Thứ hai, gạo Việt Nam ngon và tốt thật, ngon hơn nhiều cùng chủng loại của Thái Lan”, ông Bình nói một cách tự tin.
Bán gạo lúc này phải biết “neo giá”
Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình cũng tỏ ra băn khoăn do các nhà xuất khẩu gạo Việt vẫn còn quá dễ dãi trong mua bán, chấp nhận bán giá thấp hơn giá gạo Thái Lan mà “không hề áy náy”. Ông nói thẳng: “Nhiều nhà xuất khẩu gạo chưa biết làm giá, chưa biết neo giá với khách hàng, nên vẫn bị gạo Thái lấn lướt”.
Chẳng hạn, hiện gạo thơm loại ngon của Việt Nam chưa bán nổi với giá trên 1.000 USD/tấn, trong khi cùng loại đó, Thái Lan đã bán giá 1.200 - 1.300 USD/tấn từ rất lâu. Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà xuất khẩu gạo bức xúc cho rằng điều này nằm trong tư duy của nhà xuất khẩu. Cứ luôn “an phận” rằng chấp nhận bán giá thấp hơn gạo Thái Lan, chính chúng ta luôn miệng gọi “gạo Thái” như danh từ riêng mặc định đồng nghĩa là “gạo ngon” khiến người mua nước ngoài dễ ép giá.
“Họ biết rõ gạo thơm ST24 của mình ăn đứt gạo “hom mali” của Thái Lan, ST24 của Việt Nam đã được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới rồi, hà cớ gì lại rẻ hơn gạo Thái? Làm gì có gạo ngon hơn bán giá 800 USD/tấn, trong khi gạo loại 2 lại có giá 1.100 - 1.200 USD/tấn? Ở đây do tư duy của mỗi chúng ta. Tại các buổi hội họp với các nhà xuất khẩu, không ít lần tôi phải “kêu gào” rằng chúng ta không nên bán phá giá, chúng ta không nên tự đánh giá thấp mình trong khi bản chất của vấn đề không như vậy. Bán giá thấp, chính chúng ta đang ép nhà nông Việt Nam, chứ không có gì hay ho hơn cả”, ông Bình bức xúc.
Ông Phạm Tài, nhà xuất khẩu gạo tại TP.HCM, cũng đồng quan điểm: “Giá gạo Việt tăng thì có vui, nhưng chưa thể hiện đúng chất lượng mình đang sở hữu. Gạo ST24 của Việt Nam được trao huy chương ngon nhất thế giới, hiện bán trong nước cao hơn giá xuất khẩu rất nhiều. Trong nước gạo ST24 đang bán giá 1.200 - 1.300 USD/tấn, trong khi xuất khẩu tối đa là 1.000 USD/tấn, có Công ty Trung An xuất được giá 1.050 USD/tấn, mà số doanh nghiệp xuất được giá đó rất hiếm, đa số bị trả giá 800 - 900 USD/tấn”.
“Điểm yếu của chúng ta lâu nay vẫn hay bị nói là thiếu liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị còn yếu, trồng trọt thiếu tính bền vững… thì nay những điểm yếu đó “vẫn còn tính thời sự”. Gạo Việt Nam muốn cạnh tranh tốt và bền vững với gạo các nước, vươn lên ngôi vị dẫn đầu… phải khắc phục các điểm yếu trên, không còn con đường nào khác”, ông Bình kết luận.
Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cuối tháng 7 vừa qua, dự báo xuất khẩu gạo của quốc gia này giảm xuống còn 6,5 triệu tấn, chủ yếu do tình trạng hạn hán (giảm 5 triệu tấn trong niên vụ 2020) và đồng baht tăng giá. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm 34% so cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong 20 năm qua và thấp hơn mức dự báo 7,5 triệu tấn được đưa ra trước đó của nước này. Trong khi đó, theo Bộ NN-PTNT, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,9 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiện Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37% thị phần. |
Theo thanhnien