Giấc mơ Hàn Quốc

Nica vẫn nhớ như in ngày được một công ty tuyển dụng Hàn Quốc nhận vào làm việc vào năm 2014, một khoảnh khắc đáng mơ ước đối với cô, người đã khao khát được sống ở Hàn Quốc từ năm 17 tuổi. Nhưng đó là trước khi cô biết mặt tối của nó.

Nica xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cô chưa bao giờ tham gia bất kỳ khóa đào tạo thanh nhạc nào, nhưng người dì nổi tiếng đã dạy cô hát.

Từ năm 10 tuổi, Nica đã đạt giải nhiều cuộc thi tiếng hát cấp tỉnh và cấp quốc gia. Sau khi bỏ học đại học để xây dựng sự nghiệp ca hát toàn thời gian, Nica đã có được kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu quốc tế ở Malaysia và Dubai, sau đó bắt đầu tìm kiếm những cơ hội việc làm hấp dẫn ở nước ngoài để hỗ trợ gia đình.

"Một trong những đất nước mơ ước của tôi là Hàn Quốc", cô nói và giải thích rằng cô luôn muốn sống ở đó kể từ khi nhìn thấy những bức ảnh của dì mình, cũng là một ca sĩ, biểu diễn trong những khách sạn sang trọng của Hàn Quốc.

Vào tháng 11/2014, Nica đã liên hệ thông qua mạng xã hội với một công ty Hàn Quốc tại Philippines để tuyển dụng các ca sĩ và vũ công sang làm việc tại Hàn Quốc. "Người đại diện của tôi, ông Kim, đã quay video màn trình diễn của chúng tôi với nghệ sĩ keyboard. Sau đó, tôi rất vui vì chúng tôi được chấp nhận", cô nói. 

Theo hợp đồng của cô với công ty quản lý, cô sẽ nhập cảnh vào Hàn Quốc với thị thực văn hóa và giải trí E-6-2 được cấp cho các nghệ sĩ nước ngoài và được đảm bảo hợp đồng làm ca sĩ trong khách sạn. Nhưng hạnh phúc của cô thật ngắn ngủi.

Sau khi đặt chân đến đất Hàn Quốc vào tháng 1/2015, Nica phát hiện ra rằng cô sẽ làm việc tại một quán bar chứ không phải khách sạn, và ca hát có thể không phải là công việc duy nhất của mình.

Cô nhớ lại ngày đầu tiên làm việc tại một quán bar ở thành phố Yeosu, tây nam Yeosu. "Có rất nhiều người Philippines, nhưng họ không phải là ca sĩ. Tôi phát hiện ra họ được thuê ở đó để ngồi với khách hàng và uống rượu".

"Đi ngồi với khách hàng"

Sau khi làm việc khoảng một tháng ở Yeosu, Nica được đưa đến làm việc tại một câu lạc bộ chỉ dành cho người nước ngoài ở Okpo, trên đảo Geoje thuộc tỉnh Gyeongsang Nam, và sau đó chuyển đến một quán bar ở Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi  vào năm 2018.

Ở đó, Nica trở thành một thành viên của nhóm "giải trí ban đêm" của Hàn Quốc. Hàng ngày cô phải uống rượu, điều mà cô chưa bao giờ thử ở Philippines. "Họ (quản lý quán bar) bảo tôi vào ngồi với khách hàng. Công việc của tôi là uống, uống và uống cho đến khi say. Người quản lý thường giận tôi vì tôi không biết cách chiều khách. Họ muốn tôi ôm và hôn khách để khách quay lại lần nữa", cô nói.

Các khách hàng thường chạm vào Nica - điều mà cô không muốn nhưng "đó là quy tắc ngầm". "Có lần, một khách hàng muốn tôi. Anh ta chạm vào tôi và sau đó hôn tôi. Tôi tát vào mặt khi anh ta đang cố chạm vào ngực tôi", cô nói. Nhưng Nica không thể từ chối lần nào nữa.

"Chúng tôi cần uống nhiều hơn vì định mức tiêu thụ", cô kể. "Một đồ uống có giá khoảng 5.000 won, và chúng tôi phải đạt được hơn 1 triệu won (từ khách hàng) trong 15 ngày. Nếu tôi không đạt chỉ tiêu, sếp của tôi sẽ hét lên và nói với tôi rằng hôm nay tôi không thể làm việc và phải lên lầu... Tôi đã khóc vì điều đó đồng nghĩa với việc bị trừ lương", cô bàng hoàng nhớ lại.

Nica phát biểu trong cuộc phỏng vấn với The Korea Times tại một khách sạn ở tỉnh Isabela, ngày 5 tháng 9. Ảnh Korea Times của Shim Hyun-chul
Nica kể về khoảng thời gian đau buồn khi cô đến Hàn Quốc với ước mơ trở thành nghệ sĩ ở nước này

Để có thể bán được hơn 200 sản phẩm đồ uống trong vòng 2 tuần cho đủ chỉ tiêu, những người phụ nữ phải làm nhiều việc hơn là chỉ ngồi nói chuyện với khách hàng. "Rất nhiều cô gái đã hẹn hò với đàn ông (để quan hệ tình dục vì tiền). Các cô gái sẽ kiếm được 100.000 won cho điều đó", Nica nói. Chủ quán bar bảo cô cũng làm như vậy.

Nhiều người phụ nữ mặc dù không muốn nhưng họ không thể gọi cảnh sát hoặc đại sứ quán để báo cáo tình hình bởi họ cảm thấy không an toàn, dễ khiến họ rơi vào nguy hiểm. Bởi không chỉ lạ lẫm với hệ thống luật pháp Hàn Quốc, họ còn bị chủ quán bar đe dọa sẽ bị tống vào tù vì liên quan đến buôn bán tình dục bất hợp pháp hoặc bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đưa vào danh sách đen.

Sau khi được chuyển đến một số quán bar khác, Nica cảm thấy rằng cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ chạy. "Tôi đã đóng thẻ SIM và điện thoại di động trong nhiều tuần để người quản lý và công ty không thể gọi. Nhưng họ đã nhắn tin cho tôi sau đó, đe dọa rằng họ sở di trú Hàn Quốc đã chặn tôi", cô nói.

Câu chuyện của Nica là điển hình cho những đau khổ của hàng ngàn phụ nữ nước ngoài bị lừa bán dâm và làm nô lệ thời hiện đại bởi các công ty Hàn Quốc và chủ quán bar, những người lợi dụng kẽ hở trong hệ thống thị thực văn hóa và giải trí E-6-2 để ép buộc phụ nữ.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, khoảng 2.500 công dân nước ngoài nhập cảnh vào Hàn Quốc bằng thị thực E-6-2 mỗi năm.

Tuy nhiên, vấn đề là nhiều người trong số những phụ nữ này thực sự đến Hàn Quốc với niềm tin rằng họ sẽ được thuê để hát và nhảy tại các khách sạn, chứ không phải bán đồ uống tại quán bar hoặc thậm chí bán thân xác của họ để lấy tiền. "Những phụ nữ này ký hợp đồng với một công ty đảm bảo thu nhập ổn định thông qua ca hát hoặc biểu diễn. Nhưng khi vào Hàn Quốc, họ bị đưa đến các quán bar và bị mắc kẹt trong một hệ thống phải năn nỉ khách hàng mua đồ uống và bị ép buộc phải quan hệ tình dục", nữ luật sư Jeon Soo-yeon cho biết.

"Các nạn nhân hầu như không thể ra mặt. Họ không muốn làm cha mẹ hoặc gia đình ở quê nhà lo lắng. Gọi cảnh sát cũng không phải là một lựa chọn, vì chủ của họ thường đe dọa, hù sẽ bị đưa vào nhà tù hoặc trung tâm giam giữ người nhập cư", nữ luật sư cho biết thêm.

Một bảng hiệu neon của một câu lạc bộ chỉ dành cho người nước ngoài ở Busan được nhìn thấy trong bức ảnh này được chụp vào ngày 25 tháng 9. Ảnh của Korea Times bởi Kim Kang-min
Một câu lạc bộ chỉ dành cho người nước ngoài ở Busan

Theo luật sư này, chính phủ Hàn Quốc đã và đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn tội phạm này bằng cách tăng cường các yêu cầu về thị thực và sàng lọc hồ sơ tội phạm của người sử dụng lao động cũng như kiểm tra tại chỗ các quán bar. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn trở thành con mồi của nạn buôn người do những sơ hở trong hệ thống luật pháp. "Để giải quyết tận gốc những hành vi như vậy, các vụ án cần được xử lý dưới góc độ buôn bán người, không chỉ là bóc lột tình dục hoặc cưỡng bức lao động”, luật sư nói và chỉ ra rằng khả năng trừng phạt chủ quán bar theo luật hiện hành là gần bằng không.

Theo phụ nữ TPHCM