leftcenterrightdel
 Từ trái qua: bà Anne L'Huillier - giải Nobel vật lý 2023 và bà Katalin Karikó - giải Nobel y sinh 2023 - Ảnh: OPTICA

Những “Marie Curie” của thế kỷ

Mùa Nobel lại đến vào tháng Mười hằng năm. Các ủy ban ở Thụy Điển và Na Uy lần lượt vinh danh những người đoạt 6 giải thuộc các lĩnh vực vật lý, hóa học, y sinh, văn học, kinh tế và hòa bình. Các lĩnh vực khoa học tự nhiên đã chứng kiến Katalin Karikó và Anne L’Huillier lần lượt nhận giải Nobel y sinh nhờ thành quả phát triển công nghệ vắc xin mRNA và giải Nobel vật lý cho phương pháp tạo xung ánh sáng, giúp nghiên cứu động lực học electron trong vật chất.

Đây là 2 phụ nữ mới nhất được ghi tên vào bảng vàng danh giá số 1 của hành tinh, nâng tổng số nữ giới từng đoạt giải Nobel lên 63 người. Nhà khoa học Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel năm 1903 cho lĩnh vực vật lý nhờ nghiên cứu về hiện tượng bức xạ. Bà cũng là người phụ nữ duy nhất cho đến nay nhận đến 2 giải Nobel khi vào năm 1911, bà được trao giải Nobel hóa học nhờ phát hiện ra polonium và radium.

Tuy nhiên, con số 63 nói trên chưa hẳn đã dừng lại. Ngoài giải Nobel hóa học đã xác định 3 người đàn ông chiến thắng, giải Nobel hòa bình và kinh tế sẽ tiếp tục được công bố từ ngày 6 đến 9/10. Riêng với giải Nobel hòa bình 2023 (công bố vào ngày 6/10) có đến 8 cá nhân là phụ nữ được đề cử. Người đoạt giải sẽ được trao huy chương, bằng chứng nhận Nobel và tiền thưởng tương đương khoảng 989.000 USD tại Stockholm vào tháng Mười hai hằng năm. 

Sáng kiến Phụ nữ Nobel 

Nhà phát minh và doanh nhân Thụy Điển Alfred Nobel - qua đời năm 1896 - đã quy định trong di chúc rằng phần lớn tài sản của ông sẽ được chuyển thành quỹ dùng trao các giải thưởng trong 5 hạng mục vật lý, hóa học, y sinh học, văn học và hòa bình. Thập niên 1960, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã bổ sung thêm giải thưởng về kinh tế để tưởng nhớ Nobel. Từ năm 1901 đến 2022, đã có 989 giải Nobel được trao cho các cá nhân và tổ chức. Sau lễ trao giải năm 2016, đã có những lời kêu gọi đa dạng hóa người được vinh danh bởi người thắng giải Nobel thường là nam giới, da trắng và ở các quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu. 

Trả lời các đề nghị này, người đứng đầu Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển thừa nhận giải Nobel “có vấn đề về giới tính” nhưng giải pháp không thể là “hạn ngạch” hay chỉ tiêu về giới. Ngoài ra, phụ nữ tham gia hội đồng tuyển chọn cũng ít. Trong 50 năm, người được đề cử và đề cử đã không được công khai. 

Từ năm 2006, Sáng kiến Phụ nữ Nobel ra đời với sứ mệnh đoàn kết các phong trào, tổ chức và nhà hoạt động phụ nữ trên khắp thế giới để xây dựng hòa bình, bảo vệ công lý và đấu tranh cho sự bình đẳng của tất cả mọi người. Tổ chức có trụ sở tại Ottawa (Canada) do 6 phụ nữ từng đoạt giải Nobel hòa bình là Shirin Ebadi, Wangari Maathai, Rigoberta Menchú, Jody Williams, Mairead Maguire và Betty Williams sáng lập. 

Trả lời báo chí năm 2021, bà Jody Williams - Chủ tịch Sáng kiến Phụ nữ Nobel - nói: “Hòa bình không chỉ đơn giản là sự vắng mặt của xung đột vũ trang. Với tôi, hòa bình bền vững là hòa bình được xây dựng trên an ninh con người chứ không phải an ninh quốc gia. Chúng ta không cần thêm vũ khí hạt nhân hiện đại. Chúng ta không cần những vũ khí tự động hoàn toàn có thể tự nhắm mục tiêu và giết chết con người. Chúng ta cần sử dụng tài nguyên của mình để đáp ứng nhu cầu của người dân chứ không phải nhu cầu của các nhà sản xuất vũ khí. Mọi người phải được sống một cuộc sống đàng hoàng, được tiếp cận bình đẳng với giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhu cầu nhà ở... Hòa bình và an ninh phải lấy con người làm trung tâm”. 

Theo phụ nữ TPHCM