5 nhà khoa học nữ được vinh danh tại Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal – UNESCO 2017

Trong đó, giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 vinh danh hai nữ khoa học và học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu nữ tiềm năng của Việt Nam năm 2017 được trao cho 3 nữ khoa học trẻ. 

Giải thưởng năm 2017 vinh danh 5 nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu và Khoa học Đời sống. Tiêu chí chọn lựa được dựa trên thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật thông qua số lượng các bài viết được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, các ấn phẩm khoa học được xuất bản, các hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang tham gia, vai trò hình mẫu cho các thế hệ nghiên cứu trẻ.

Hội đồng khoa học L’Oreal – UNESCO For Women in Science tai Việt Nam đã bình chọn 5 gương mặt nữ tiêu biểu của năm 2017 bao gồm: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài - Trưởng Khoa Dược - Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế, giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc 2017. TS. Trần Thị Ngọc Dung – Trưởng phòng Công nghệ Thân Môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc 2017. TS. Trần Phương Thảo – giảng viên Bộ môn Hóa dược, trường Đại học Dược Hà Nội, Học bổng nghiên cứu khoa học 2017. TS. Hoàng Thị Đông Quỳ - giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học bổng nghiên cứu khoa học 2017 và TS. Nguyễn Thị Lệ Thu – giảng viên Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Học bổng nghiên cứu khoa học 2017.

Hai nhà khoa học nữ xuất sắc của năm được vinh danh sẽ nhận được giải thưởng trị giá 50 triệu đồng. Chương trình giải thưởng này được dành cho tất cả các nhà khoa học nữ đang làm việc và nghiên cứu tại Việt Nam có quá trình nghiên cứu khoa học, đóng góp lâu dài vào sự phát triển của khoa học Việt Nam. 
Ba nhà khoa học nữ trẻ được đề cử sẽ nhận học bổng nghiên cứu khoa học có giá trị là 150 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn những đề án có tiềm năng phát triển và tạo nên các ảnh hưởng và lợi ích lớn tại Việt Nam.


1. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế: 
Từ "bệnh nhân ung thư" khám phá ra dược liệu quý ức chế tế bào ung thư 


 
PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài được ghi nhận vì tâm huyết tìm ra những sản phẩm ứng dụng làm thuốc từ nguồn dược liệu Y học dân tộc cổ truyền, nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ ở người già. 

Một trong những nghiên cứu nổi bật của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoài phải kể đến là Nghiên cứu các cây thuốc của đồng bào Pako Vân Kiều ở Miền Trung theo hướng tác dụng chống oxy hoá, diệt tế bào ung thư. Nghiên cứu đã tìm ra được 2 cây dược liệu quý là bù dẻ tía và mán đỉa có tác dụng ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa tốt. Đây là những dược liệu quý của đồng bào dân tộc, được kiên trì thu thập, phân tích và sàng lọc để chứng minh thành phần khoa học cũng như đặc tính sinh học của cây thuốc, tạo nên tiền đề cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến oxy hóa. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài chia sẻ, chị cũng chính là một bệnh nhân ung thư tuyến giáp và nhờ niềm đam mê khoa học và nỗ lực không ngừng, chị đã may mắn đến được với bài thuốc dân tộc quý để có thể khám phá ra loại dược liệu quý này.  

2. TS. Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ Thân Môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam:
Ứng dụng vật liệu nano chống nhiễm khuẩn bệnh viện


TS. Trần Thị Ngọc Dung được vinh danh vì những nghiên cứu mang tính ứng dụng về vật liệu nano. Dung dịch nano bạc do TS. Trần Thị Ngọc Dung và nhóm nghiên cứu chế tạo có chất lượng cao, kích thước đều, ổn định, có thể bảo quản lâu dài, có hoạt tính khử khuẩn rất mạnh, và còn có thể điều khiển được kích thước hạt theo từng nhu cầu nhất định. Sản phẩm đã được nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng khuẩn trên hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người như: E.coli, Coliform, S.aureus, P. aeruginosa, Aci.baumannii, Streptococcus, Vibrio cholerae, Enterococcus feacalis, N. Gonorrhoeae, Candida albicans...

Nghiên cứu được thực hiện tại Viện Công nghệ môi trường và nhiều cơ sở y tế lớn trong nước như Học viện Quân Y, Bệnh viện TWQĐ 108, Viện bỏng Quốc gia, Viện các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia, Bệnh viện da liễu Trung ương, v.v... cho thấy sản phẩm được chế tạo có thể tiêu diệt tất cả các đối tượng vi sinh vật ở trên. Từ đó, sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn và ứng dụng thành công nhiều lĩnh vực và sản phẩm khác nhau. Các nghiên cứu của TS. Trần Thị Ngọc Dung mang tính ứng dụng lớn vào các sản phẩm thiết thân và có khả năng thương mại hóa các sản phẩm này trên thị trường. Trong đó có thể kể đến (i) Băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, (ii) Bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình, (iii) Băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người lớn, người già và (iv) Khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường (v) Dung dịch vệ sinh phụ nữ.

Công nghệ gắn nano bạc lên vật liệu để sản xuất băng bỉm vệ sinh đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp Hữu ích. Công nghệ chế tạo vật liệu lọc nước ceramic xốp cố định nano bạc đã được cấp Bằng độc quyền Sáng chế đã gắn tên tuổi của Tiến sĩ với công nghệ tiên tiến này. Trong thời gian tới, Tiến sĩ Dung sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.

3. TS. Trần Phương Thảo, Giảng viên Bộ môn Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội:
Chất dẫn mới điều trị bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer


Tiến sĩ Trần Phương Thảo được chọn trao học bổng Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng 2017 L’Oreal – UNESCO For Women in Science với đề tài Nghiên cứu phát triển dẫn chất mới ức chế enzyme Glutaminyl cyclase hướng điều trị bệnh Alzheimer.

Bệnh Alzheimer là căn bệnh gây ra hội chứng suy giảm trí nhớ, diễn biến trầm trọng theo thời gian và ảnh hưởng trầm trọng đến toàn bộ các chức năng của não bộ. Hiện nay chưa có bằng chứng cụ thể về nguyên nhân chính của căn bệnh Alzheimer, nhưng các nghiên cứu khoa học gần đây cho rằng các mảng xơ (amyloid beta-Aβ) và các đám xơ rối (tau) là những nghi phạm chính. Đồng thời, enzym QC xúc tác cho quá trình đóng vòng nội phân tử các glutaminyl đầu gắn với Nito thành acid pyroglutamic góp phần tạo nên các xơ và đám xơ rối nêu trên. Chính vì thế, những nghiên cứu ức chế enzym QC sẽ ngăn cản quá trình tạo ra các acid pyroglutamic, giảm sự tạo thành các xơ và đám xơ rối, góp phần ngăn chặn nguy cơ gây ra bệnh Alzheimer. Đề tài của TS. Trần Phương Thảo tên đầy đủ là Thiết kế, tổng hợp, thử tác dụng ức chế enzym Glutaminyl cyclase của dãy dẫn chất N-(5-methyl-1H-imidazol-1-yl)propyl N’-3-Methoxy-4- Aminoalkyloxyphenyl Thiourea mới, sẽ có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn vì ở Việt Nam, xu hướng chung cũng sẽ đối mặt với vấn nạn Alzheimer trong vài thập kỷ tới khi dân số Việt Nam bước sang giai đoạn nhiều người gia và có nhiều khả năng lão hóa do áp lực công việc, điều kiện sống. Đây là đề tài có nhiều điểm mới, có khả năng công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.

4. TS. Hoàng Thị Đông Quỳ, Trưởng Bộ Môn Vật liệu Polymer và Composite, Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh:
 Vật liệu nhựa tái chế khắc lửa

 
TS. Hoàng Thị Đông Quỳ được Hội đồng Khoa học thống nhất lựa chọn trao học bổng Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng năm 2017 L’Oreal – UNESCO For Women in Science với đề tài Vật liệu Polymer Composite/Nanocomposite chống cháy trên nền polyurethane xốp sử dụng hợp chất chống cháy thân thiện môi trường photpho/photpho-nitơ.

Đề tài nghiên cứu của Tiến sĩ Quỳ mong muốn tổng hợp thành công vật liệu polymer nanocomposite có tính chất nhiệt cao và khả năng chống cháy tốt, nhằm ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải. Vật liệu này được tổng hợp trên nguồn nguyên liệu tái chế hoặc từ các polyol đi từ nguồn tự nhiên nhằm thay thế cho nguyên liệu truyền thống từ nguồn hóa dầu.

Chị và nhóm nghiên cứu đã sử dụng vật liệu nhựa đã qua sử dụng như phim chụp ảnh, và chai nước giải khát để xử lý và tái chế ra vật liệu mới. Vật liệu chống cháy được chế tạo trong khuôn khổ đề tài này nếu được sản xuất trên quy mô công nghiệp để trở thành một loại vật liệu được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng, nhất là trong các thiết bị nội thất, sẽ giảm thiểu đáng kể những tổn thất do các vụ cháy, nổ gây ra. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu PET phế thải để tổng hợp vật liệu polymer nanocomposite trên nền polyuretan xốp (RPUf) là cách nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao.


5. TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: 
Vật liệu "tự lành"  



TS. Nguyễn Thị Lệ Thu được vinh danh với đề tài Nghiên cứu chế tạo vật liệu silicon thông minh có khả năng “nhớ hình” và “tự lành” ứng dụng làm vật liệu y sinh cấy ghép và màng phủ tự làm lành vết xước.
Lấy cảm hứng từ các vật liệu sinh học như xương, da, đề tài của Tiến sĩ Thu nghiên cứu chế tạo các loại vật liệu nhân tạo có khả năng “tự chữa lành” khi bị tổn thương, hư hại (như bị trầy xước). 

Đề tài nghiên cứu này còn khá mới, hướng tới các ứng dụng cao, nhằm mục đích nghiên cứu tạo ra một loại vật liệu polyme trên cơ sở silicon (polydimethylsioxane) và polycaprolactone có đặc tính kết hợp là “nhớ hình” và “tự lành”. Polyme silicon và polycaprolactone đều là loại polyme không độc, tương thích sinh học tốt nên ứng dụng rộng rãi trong y sinh. Bên cạnh đó, polyme siloxane rất ổn định nhiệt, bền oxy hóa và độ thấm khí cao. Vì vậy, vật liệu silicone mới này nếu có thêm tính chất “tự lành” sẽ phù hợp cho các ứng dụng cao cấp như vật liệu trong các thiết bị y tế và cấy ghép y khoa. Bên cạnh đó, loại vật liệu silicone này còn có thể được dùng làm màng phủ thông minh tự làm lành vết trầy xước cho xe hơi hay điện thoại, vừa đem lại giá trị về độ bền và thẩm mỹ, vừa có khả năng làm sơn chống ăn mòn.

Để tạo ra khả năng “tự lành” cho vật liệu, các liên kết cộng hóa trị thuận nghịch Diels-Alder sẽ được dùng làm cầu nối mạng cho các mạch polydimethylsiloxane và polycaprolactone (hình minh họa).

Học bổng L’Oreal – UNESCO Vì Sự Phát Triển Phụ Nữ Trong Khoa Học cấp quốc gia được triển khai tại Việt nam vào năm 2010. Trong suốt 7 năm qua, Giải thưởng này đã vinh danh 18 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam từ nhiều tỉnh thành trong cả nước bao gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đà nẵng, Huế và Cần Thơ. Chương trình này đã vinh danh 24 nhà khoa học trẻ tiềm năng Việt Nam về những đóng góp xuất sắc trong lãnh vực nghiên cứu khoa học và giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong khoa học. Năm 2015, nhà khoa học nữ Việt Nam Trần Hà Liên Phương đã được vinh danh là nhà khoa học nữ tiềm năng thế giới tại Paris, giúp Việt Nam lần đầu tiên có tên trong danh sách quốc gia có nhà khoa học nữ trẻ xuất sắc thế giới.

Tiếp tục sứ mệnh vinh danh và hỗ trợ tài năng khoa học nữ Việt Nam, năm 2018, chương trình L’Oreal Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học tiếp tục trao 2 giải thưởng và 3 học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học và nghiên cứu viên khoa học nữ Việt Nam và đề cử các nhà khoa học trẻ xuất sắc nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tiềm năng của thế giới năm 2018.
Thu Hương