"Cô đã lừa tôi cưới cô khi không còn trinh trắng. Sẽ chẳng ai lấy cô nếu biết sự thật". Đó là những gì chồng của Maryam nói với cô sau lần quan hệ tình dục đầu tiên.

Maryam cố gắng trấn an chồng mình rằng dù không chảy máu, cô chưa từng có quan hệ thể xác với bất kỳ ai. Nhưng người đàn ông này không tin vợ mình, anh yêu cầu cô phải lấy giấy chứng nhận trinh tiết.

Điều đáng buồn hơn là yêu cầu mà Maryam nhận được không hề hiếm gặp ở Iran. Sau khi đính hôn, nhiều phụ nữ Iran phải đi khám và làm xét nghiệm chứng minh họ chưa từng quan hệ tình dục, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng xét nghiệm này không có giá trị khoa học, theo BBC.

Giấy chứng nhận của Maryam cho biết màng trinh của cô thuộc loại "co giãn". Điều này có nghĩa cô có thể không chảy máu sau khi quan hệ tình dục.

"Điều đó làm tổn thương lòng tự trọng của tôi. Tôi không làm gì sai nhưng liên tục bị chồng mình xúc phạm", cô nói. "Tôi không thể chịu đựng được nữa, vì vậy, tôi đã uống thuốc và cố gắng tự sát".

May mắn là Maryam được đưa đến bệnh viện kịp thời và sống sót. "Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày đen tối ấy. Tôi đã giảm 20 kg trong thời gian đó", cô nói.

Chủ nghĩa bảo thủ văn hóa

Câu chuyện của Maryam là thực tế mà nhiều phụ nữ Iran đang đối mặt. Việc giữ gìn trinh tiết trước khi kết hôn vẫn là điều tối quan trọng đối với nhiều cô gái và gia đình. Đó là tư tưởng bén rễ từ chủ nghĩa bảo thủ văn hóa của đất nước này.

Tuy nhiên, gần đây, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Phụ nữ và nam giới trên khắp đất nước đã vận động để chấm dứt việc kiểm tra trinh tiết.

Vào tháng 11/2021, một bản kiến nghị trực tuyến đã nhận được gần 25.000 chữ ký chỉ trong một tháng. Đây là lần đầu tiên kiểm tra trinh tiết bị nhiều người chỉ trích công khai ở Iran.

 
giay chung nhan trinh tiet anh 1

Nhiều phụ nữ Iran phải lấy giấy chứng nhận trinh tiết trước khi kết hôn. Ảnh:Zuma.

“Đó là sự vi phạm quyền riêng tư và thật nhục nhã”, Neda nói. Khi còn là một học sinh 17 tuổi ở Tehran, cô đã quan hệ với bạn trai. "Tôi hoảng sợ. Tôi rất sợ hãi về những gì sẽ xảy ra nếu gia đình tôi phát hiện".

Vì vậy, Neda quyết định vá màng trinh của mình.

Về lý thuyết, thủ thuật này không phải bất hợp pháp, song nó ẩn chứa những hệ lụy nguy hiểm cho xã hội nên không bệnh viện nào đồng ý thực hiện. Do đó, Neda đã tìm đến một phòng khám tư nhân để thực hiện tiểu phẫu bí mật với chi phí đắt đỏ.

"Tôi đã tiêu hết số tiền tiết kiệm. Tôi đã bán máy tính xách tay, điện thoại di động và đồ trang sức bằng vàng", cô nói.

Neda phải ký vào tờ cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố. Sau đó, một nữ hộ sinh tiến hành thủ thuật.

Cả quá trình chỉ kéo dài khoảng 40 phút nhưng Neda phải mất nhiều tuần hồi phục. "Tôi rất đau đớn. Tôi không thể cử động chân của mình", cô nhớ lại.

Cô đã giấu toàn bộ sự việc với cha mẹ. "Tôi cảm thấy rất cô đơn. Nhưng tôi nghĩ rằng nỗi sợ bị phát hiện đã giúp tôi chịu đựng nỗi đau (thể xác)”, cô nói.

Song những gì Neda phải trải qua đều vô nghĩa. Một năm sau, cô gặp được người muốn lấy cô nhưng khi họ quan hệ, Neda không chảy máu. Nói cách khác, tiểu phẫu đã thất bại.

"Bạn trai đã buộc tội tôi cố gắng lừa anh ta kết hôn. Anh nói tôi là kẻ dối trá và rời bỏ tôi”, cô kể lại.

Áp lực từ gia đình

Bất chấp việc WHO lên án kiểm tra trinh tiết là phi đạo đức và thiếu giá trị khoa học, phương pháp này vẫn được thực hiện ở một số quốc gia, bao gồm Indonesia, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cơ quan Y tế Iran khẳng định họ chỉ thực hiện kiểm tra trinh tiết trong những trường hợp nhất định, chẳng hạn các vụ kiện tại tòa án và cáo buộc hiếp dâm.

 
giay chung nhan trinh tiet anh 2

Phụ nữ Iran chịu nhiều áp lực từ gia đình về việc giữ gìn trinh tiết. Ảnh:AFP.

Tuy nhiên, hầu hết yêu cầu xác nhận trinh tiết vẫn đến từ các cặp đôi có ý định kết hôn. Do đó, họ đã tìm đến phòng khám tư nhân.

Tại đây, bác sĩ sản phụ khoa hoặc nữ hộ sinh sẽ kiểm tra và cấp giấy chứng nhận, trong đó ghi rõ tên đầy đủ của người phụ nữ, tên cha của cô, số chứng minh thư và đôi khi cả ảnh chụp. Giấy chứng nhận cũng sẽ mô tả tình trạng màng trinh của người phụ nữ và kèm theo tuyên bố: "Cô gái này là trinh nữ".

Trong các gia đình bảo thủ hơn, giấy chứng nhận phải có chữ ký của hai nhân chứng, thường là các bà mẹ.

Tiến sĩ Fariba đã cấp chứng nhận này trong nhiều năm. Bà thừa nhận đó là việc làm đáng xấu hổ, nhưng tin rằng bản thân đang thực sự giúp đỡ nhiều phụ nữ.

"Họ đang phải chịu áp lực từ gia đình. Đôi khi tôi sẽ nói dối giúp các cặp đôi. Nếu họ đã quan hệ với nhau và muốn kết hôn, tôi sẽ nói trước mặt gia đình họ rằng người phụ nữ đó là trinh nữ", bà nói.

Tuy nhiên, đối với nhiều người đàn ông ở Iran, cưới một cô gái còn trinh vẫn là yêu cầu cơ bản.

"Nếu một cô gái mất trinh trước khi kết hôn, cô ấy không đáng tin cậy. Cô ấy có thể bỏ chồng để lấy người đàn ông khác", Ali, thợ điện 34 tuổi ở Shiraz, nói.

Tuy nhiên, Ali cho biết anh đã quan hệ tình dục với 10 phụ nữ. "Tôi không thể cưỡng lại", anh nói.

Người đàn ông này thừa nhận xã hội Iran có tiêu chuẩn kép, nhưng anh cho rằng không có lý do gì để thoát khỏi truyền thống đó. "Các chuẩn mực xã hội chấp nhận đàn ông có nhiều tự do hơn phụ nữ", anh nói.

Trên thực tế, nhiều người đàn ông ở khu vực nông thôn của Iran có chung quan điểm này.

Dù nhiều cuộc biểu tình phản đối kiểm tra trinh tiết đã diễn ra, quan niệm này vẫn ăn sâu vào văn hóa Iran. Do đó, nhiều người tin rằng chính phủ và các nhà lập pháp sẽ không thể sớm ban lệnh cấm hoàn toàn hoạt động này.

Hy vọng

Trở lại câu chuyện của Maryam, 4 năm sau khi cố gắng tự tử và chung sống với người chồng bạo hành, cuối cùng cô đã ly hôn. Cô vừa trở lại cuộc sống độc thân chỉ vài tuần trước.

"Sẽ rất khó để (tôi) đặt niềm tin vào đàn ông thêm lần nữa", cô nói. "Tôi không thể kết hôn trong tương lai gần".

Cùng với hàng chục nghìn phụ nữ khác, Maryam đã ký vào một trong những đơn kiến nghị trực tuyến yêu cầu chấm dứt việc cấp giấy chứng nhận trinh tiết.

Dù không kỳ vọng điều này sẽ sớm thay đổi, thậm chí không phải trong cuộc đời mình, Maryam vẫn tin rằng một ngày nào đó phụ nữ Iran sẽ được đối xử bình đẳng hơn.

"Tôi chắc chắn điều đó sẽ xảy ra. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ không có cô gái nào phải trải qua những gì tôi từng trải qua", cô nói.

Theo Zing