Giới chuyên gia nói gì về kịch bản Gỡ phong tỏa kiểu Mỹ? - Ảnh 1.

Đại lộ Champs-Elysées lừng danh của Pháp đã vắng lặng hẳn trong những ngày người dân phải tự cách ly - Ảnh: AFP

Một nghiên cứu tại Mỹ đã hình dung ra quá trình hồi phục sinh hoạt xã hội theo tịnh tiến thời gian và không gian địa lý, theo độ tuổi và giai tầng xã hội và theo kết quả "miễn nhiễm cộng đồng" được phác thảo trước. Còn tại Pháp, Thủ tướng Édouard Philippe đang nghiên cứu kịch bản này.

Đây là một tập tài liệu dài 15 trang với tựa đề khá nhẹ nhõm "Kế hoạch mở cửa lại" do một nhóm thành viên nghiên cứu độc lập, trong đó có nhiều người đã trải qua công tác tại Cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). 

Tài liệu này cũng vừa mới được trình lên ban cố vấn của Tổng thống Donald Trump để nước Mỹ có thể sẽ phải chuẩn bị ngay từ bây giờ cho giai đoạn quyết định khi đến thời điểm "gỡ phong tỏa" sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế. 

Nước Mỹ nghĩ đến chuyện "hồi phục" khi vẫn đang là tâm dịch của thế giới. Có quá sớm chăng?

Và chính "quyển cẩm nang thoát dịch" trên cũng khiến nước Pháp bên kia bờ Đại Tây Dương đắn đo suy nghĩ. 

Ngày 1-4, Thủ tướng Édouard Philippe đã phác thảo ra một tiến trình "thoát dịch" theo từng vùng địa lý tại Pháp, song cũng đã vấp phải không ít chống đối cho rằng khi chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu 100% và chưa có vắcxin phòng ngừa mà đã nghĩ quá xa!

Tại Phủ thủ tướng, mọi người quả quyết rằng đã có một "kịch bản Pháp" đang được soạn thảo căn cứ theo nội dung chi tiết của công trình nghiên cứu "nổi tiếng" của Mỹ nói trên. Và cũng có người tự hỏi: kịch bản "thoát dịch" của Pháp khi nào sẽ được áp dụng đây?

Nhiều người tự hỏi: tại sao khi nước Pháp chưa "vượt qua" được mà đã nghĩ đến chuyện "thoát", vậy là cầm đèn chạy trước ôtô rồi! 

Nhưng theo những tác giả người Mỹ của bản báo cáo này thì "phải lên kế hoạch tổng thể cho từng giai đoạn để có thể đảm bảo được đầy đủ cơ sở hạ tầng tốt nhất cho giai đoạn chuyển tiếp".

Giới chuyên gia nói gì về kịch bản Gỡ phong tỏa kiểu Mỹ? - Ảnh 2.

Một băngrôn kêu gọi mọi người hãy tự cách ly tại nhà được treo trên bancông một chung cư tại TP Bordeaux (Pháp) - Ảnh: AFP

Và những giai đoạn đó là gì? Đầu tiên là có khả năng xét nghiệm trên diện rộng nhờ vào những bộ kít xét nghiệm nhanh bằng phương pháp test huyết thanh, tức lấy máu. 

Từ cách xét nghiệm nhanh này, có thể cho phép những người dân nào "đã miễn nhiễm" sẽ được "thoát" cách ly và trở lại làm việc bình thường, tuy nhiên vẫn khuyến cáo họ làm việc từ xa (làm việc tại nhà). 

Và giai đoạn này cũng là thời điểm "5 ăn năm thua" của ngành y tế với giả định là những người đã nhiễm bệnh đang được bảo vệ tốt vẫn có thể bị tái nhiễm.

Cũng trong giai đoạn này, những người trên 60 tuổi và những người đang có vấn đề về sức khỏe như hệ miễn dịch yếu, bệnh tim mạch… sẽ phải tự cách ly tối đa khỏi cộng đồng cho đến khi có được phương pháp điều trị hiệu quả và có vắcxin. 

Vẫn phải cấm tụ tập trên 50 người nhưng trong những điều kiện như thế, "đa số trường học, đại học và doanh nghiệp (có thể) hoạt động trở lại". Những người được cho phép "hết cách ly" vẫn phải mang khẩu trang vải bình thường, không cần "khẩu trang y tế".

Tuy nhiên, những biện pháp này không thể được áp dụng trên toàn quốc mà theo người Mỹ thì phải được thực hiện tuần tự "theo từng bang", bắt đầu bằng những bang bị nhiễm bệnh trước tiên. 

Còn tại Pháp thì việc dỡ bỏ phong tỏa sẽ được thực hiện theo từng vùng, bắt đầu từ "đầu tháng 5" nhưng vẫn cấm đi lại giữa các vùng miền theo địa giới hành chánh.

Thế nhưng, theo các tác giả Mỹ, nếu thất bại trong việc khoanh vùng chuỗi lây nhiễm thì sẽ phải áp dụng biện pháp "tái phong tỏa".

Đúng vậy, theo bác sĩ khoa nhiễm Pascal Astagneau, "việc dỡ bỏ cách ly phong tỏa không có nghĩa là mọi người cứ tự do thoải mái ào ra đường rồi hoan hô chè chén ăn mừng. Làm như thế là thảm họa. 

Chúng ta hãy hình dung một đám cháy đã được dập tắt nhưng vẫn còn than hồng dưới mặt đất và gió vẫn thổi mạnh trong rừng cây. Dỡ bỏ cách ly phong tỏa đồng loạt trên diện rộng sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát lại và có thể còn dữ dội hơn".

Giáo sư Christophe Rapp, một chuyên gia khoa nhiễm tại Bệnh viện Mỹ tại Paris, rất chí lý khi đưa ra lời khuyên: hãy từ từ dò dẫm từng bước đi, hãy tùy cơ ứng biến.

Theo tuoitre