Công nhân ở Ahmedabad trên xe tải về quê. Ảnh: Reuters.

Hơn một thập kỷ nay, Begum Jan kiếm sống trên đường phố ở Kolkata, Ấn Độ. Bà trở thành người vô gia cư sau khi bị bệnh lao và không thể tiếp tục làm người giúp việc. Hằng ngày, bà đi xe lăn đến một địa chỉ quen thuộc trên con phố đông đúc, luôn đảm bảo có đủ đồ ăn để tồn tại qua ngày nhờ những người đi đường.

Nhưng tuần trước, lần đầu tiên trong suốt hơn 10 năm làm người vô gia cư, Begum Jan có nguy cơ bị chết đói. "Suốt một tuần qua, những người thường xuyên giúp đỡ tôi không thấy đến nữa", bà nói bằng giọng nghẹn ngào. "Họ đều ở nhà vì lệnh phong tỏa. Họ không có việc làm nên cũng không thể giúp tôi", bà nói thêm.

Hôm 24/3, Thủ tướng Narendra Modi áp lệnh phong tỏa toàn bộ 1,3 tỷ dân Ấn Độ. Lệnh có hiệu lực từ 0h ngày 25/3 và kéo dài trong ít nhất 3 tuần - lâu nhất trong tất cả quốc gia thực hiện lệnh đóng cửa cho đến nay. Hậu quả là hàng chục triệu người nghèo khổ làm việc xa nhà bị rơi vào khủng hoảng.

Đối với những người không có nơi trú thân như Jan, sắc lệnh cách ly xã hội 21 ngày thực sự tàn khốc. Con trai của bà, Raja Khan, hiện cũng sống ngoài đường cùng 3 đứa con sau khi công việc bốc vác đường sắt của anh bị tạm dừng.

Mỗi ngày từ khi có lệnh phong tỏa, Khan đẩy mẹ trên xe lăn đi 40 km để tìm đồ ăn. "Các ga tàu đã dừng hoạt động nên tôi hoàn toàn thất nghiệp. Tôi là lao động chính trong nhà để đảm bảo miệng ăn cho 4 người. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải đi ăn xin. Thật nhục nhã", Khan nói.

Manoranjan Ghosh, nhân viên một tiệm trà ở Kolkata, mới đây cũng biến thành người vô gia cư. Anh tự xây một "ngôi nhà" tạm bợ ở khoảng trống chật hẹp tại nhà ga, mỗi ngày đều cố gắng ăn vận gọn gàng nhất có thể nhưng Ghosh không thể phủ nhận mọi thứ đang ngày càng khó khăn hơn.

"Tôi đã dùng hết số tiền tiết kiệm của mình để mua đồ ăn chỉ sau 2 - 3 ngày phong tỏa. Sau đó, tôi phải bán điện thoại di động cho một người bán rau để chống chọi thêm vài ngày nữa. Nhưng hiện giờ tôi đã hết sạch tiền. Tôi đã cố gắng làm việc và sống bằng lòng tự trọng nhưng giờ bỗng dưng thành kẻ vô gia cư và phải đi ăn xin", Ghosh nói. 

Hình ảnh "cách ly xã hội" của người Ấn Độ sau khi có lệnh phong tỏa. Họ chen chúc ở bến xe buýt để trở về quê. Ảnh: Reuters.

Nhiều người cho rằng lệnh phong tỏa 21 ngày của Thủ tướng Modi diễn ra quá đột ngột. Người dân chỉ được thông báo trước 4 tiếng khiến hàng triệu người không kịp trở về nhà. Việc này gây ra làn sóng di cư ồ ạt trên khắp Ấn Độ khi người dân đi bộ hàng trăm, hàng nghìn dặm để về nhà. Chính quyền nhanh chóng ngăn chặn bằng cách đóng cửa tất cả biên giới khiến hàng nghìn người mắc kẹt.

Trong số đó có Lal Sahab Kumar, 20 tuổi, đến Delhi kiếm sống bằng nghề thợ xây với đồng lương 300 rupees/ngày (khoảng 90.000 đồng). Sau thông báo của Thủ tướng Modi, Kumar bị đuổi việc. Anh cố gắng đi bộ về nhà cách hơn 960 km nhưng biên giới đóng cửa nên đành quay trở lại. Hiện anh sống tại nơi dành cho người vô gia cư ở West Delhi, được cung cấp bữa ăn hằng ngày. "Làm ơn, tôi chỉ muốn được về nhà", Kumar nói với bộ dạng khốn khổ, nhếch nhác.

Nhà kinh tế học người Ấn Độ Jayoti Ghosh mô tả lệnh phong tỏa là một "thảm họa". "Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải tình trạng chính phủ đồng loạt đóng cửa cả cung lẫn cầu mà không có kế hoạch, không đảm bảo an toàn và thậm chí không cho người dân chuẩn bị", cô nói. Ghosh cảnh báo tình trạng thiếu lương thực gần đây trên khắp Ấn Độ sẽ càng trở nên tệ hơn trong hai tuần tới.

Một công nhân dệt may ở ngoại ô Mumbai sau khi nhà máy bị đóng cửa vì lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters.

"Chính phủ biết sẽ gây ảnh hưởng nhưng rõ ràng họ không quan tâm, cô nói thêm. "Ngay cả khi việc phong tỏa nghiêm ngặt này là cần thiết, họ có thể sắp xếp trước một tuần để người dân có thể trở về nhà an toàn. Có phải chính phủ hơi ngạo mạn và vô cảm khi đưa ra thông báo cách 4 tiếng, vào lúc nửa đêm trước khi thực thi lệnh phong tỏa hà khắc, tàn bạo này?", Jayoti Ghosh hoài nghi.

Theo các chuyên gia, việc phong tỏa cần kéo dài lâu hơn 21 ngày nếu muốn thấy hiệu quả. Đến nay, các trường hợp nhiễm nCoV ở Ấn Độ thấp hơn nhiều so với châu Âu, Mỹ và Đông Á. Nước này có 2.902 ca nhiễm và 68 trường hợp tử vong nhưng hiện đã có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng, và sự lây lan đang "leo thang" nhanh chóng.

Tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người lao động Bangla Sanskriti Mancha ở thành phố Kolkata cho biết họ đã nhận được hàng chục nghìn yêu cầu giúp đỡ kể từ khi phong tỏa, đồng thời xác định được ít nhất 30.000 công nhân trên khắp cả nước đang bị mắc kẹt và sắp chết đói. Tổ chức Sinh viên Hồi giáo Ấn Độ (SIO) đang cung cấp lương thực cho hơn 25.000 người trong cuộc khủng hoảng này.

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định phong tỏa", ông Syed Azharuddin, đại diện của SIO cho biết. "Tuy nhiên, việc phong tỏa nên được thực hiện sau khi chính phủ đảm bảo những người lao động đã được về đến nhà", ông nói thêm.

Shekh Sujauddin, 21 tuổi đến từ Tây Bengal nằm trong số 60 công nhân xây dựng hiện sống trên một công trình tại Mumbai. Họ không có cách nào để kiếm tiền hay về nhà và đang ngày càng tuyệt vọng hơn. Sujauddin nói: "Với số tiền hiện có, chúng tôi không thể chống cự được nhiều hơn 1 - 2 ngày tới nếu không có dấu hiệu cứu trợ từ chính phủ".

Ngồi ở lề đường Kolkata với đống rác nhựa thu gom nhưng không có người mua, Ram Singh nói ông đã không ăn gì suốt nhiều ngày. "Tôi ra khỏi nhà năm 13 tuổi sau khi mẹ bỏ đi cùng người đàn ông khác. Từ đó, tôi kiếm sống bằng nghề thu gom đồ bỏ đi suốt hơn 40 năm nay và đi bộ 30 km mỗi ngày để bán hàng. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực", Ram Singh nói.

Theo ione.net