Giới siêu giàu vẫn chuyển đến Singapore giữa Covid-19
Cập nhật lúc 17:43, Chủ nhật, 11/07/2021 (GMT+7)
Dịch Covid-19 không lay chuyển vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Singapore khi giới siêu giàu tiếp tục đầu tư, chuyển tới đây sinh sống.
Theo báo cáo từ Credit Suisse vào tháng trước, Singapore đứng thứ 11 trên toàn cầu về mật độ triệu phú. Ảnh: Business Times.
Trả lời Straits Times, Gary Harvey, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài chính St. James's Place, cho biết giới siêu giàu vẫn tiếp tục mở văn phòng, công ty ở Singapore giữa Covid-19.
"Các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) vẫn chọn đảo quốc sư tử làm nơi đầu tư, sinh sống vì coi đây là một trong những quốc gia an toàn nhất ở thời điểm hiện tại", ông nhận định.
Giám đốc Kinh doanh và Chiến lược từ Refinitiv Steven Carroll cũng khẳng định là Singapore đang phát triển như một trung tâm tài chính vững mạnh nhờ hệ thống luật pháp chặt chẽ, các ngân hàng tư nhân.
Ý kiến này đồng nhất với nhận xét từ Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS). "Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng liên tục của các công ty quản lý tài chính, văn phòng gia đình ở Singapore. Họ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch".
Trả lời Straits Times, đại diện MAS nói thêm: "Một số ngân hàng tư nhân, công ty tài chính có khả năng thích ứng tốt trong bối cảnh 'bình thường mới', tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động, thu hút khách hàng giữa Covid-19".
Tháng trước, báo cáo từ Credit Suisse xếp Singapore ở hạng 11 trên toàn cầu về mật độ triệu phú với khoảng 1.361 người, mỗi cá nhân có giá trị ròng vượt 50 triệu USD vào năm 2020.
Theo đó, mật độ triệu phú ở Singapore rơi vào khoảng 5,5%, đứng thứ 2 khu vực châu Á sau Hong Kong (8,3%). Báo cáo cũng dự tính dân số triệu phú ở đảo quốc sư tử sẽ tăng 62% vào năm 2025.
Bà Lim Li Li, Giám đốc phụ trách các nhà đầu tư toàn cầu và văn phòng gia đình thuộc Ngân hàng Trung ương, nói với Straits Times rằng các cá nhân giàu có đến Singapore, đa số ở độ tuổi 40, thường tới từ Trung Quốc, châu Âu và Ấn Độ.
"Hầu hết đều kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ tài chính, sản xuất và y tế", bà nói thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết Singapore phải tiếp tục duy trì lợi thế của mình trong lĩnh vực kinh doanh ưu thế.
Bà Jolene Tan, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà quản lý tài chính độc lập Singapore, lưu ý rằng cần thúc đẩy nguồn nhân lực có kỹ năng.
"Chúng tôi mong đợi ngày càng có nhiều nhân tài hơn, không chỉ với các vị trí giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm, mà còn cả các chuyên gia trong các lĩnh vực luật, kế toán, công nghệ...", bà Tan nhấn mạnh.
Ngoài ra, Singapore cũng cần bắt kịp xu hướng đầu tư của các cá nhân giàu có, điển hình như mối quan tâm về môi trường và đầu tư bền vững.
Theo zingnews