Sống lại một xu thế
Trước khi đại dịch COVID-19 ập đến, giới trẻ châu Á đã đặt ra cho bản thân rất nhiều hoạch định và mục tiêu từ việc mua nhà, mua xe, ăn sang vào cuối tuần hay tự thưởng cho bản thân những chuyến du lịch sang chảnh trong các kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, tất cả đã chấm hết từ khi đại dịch COVID-19 xảy đến và nhất là sau những hệ lụy lâu dài nó mang lại.
Những người trẻ đang thay đổi hành vi chi tiêu. Sự thay đổi này đưa họ đến gần hơn với cách sống của thế hệ cha mẹ họ - những người có ký ức gắn liền với thời kỳ kinh tế khó khăn nên luôn cố gắng chắt bóp từng đồng.
Doris Fu (nhân viên tiếp thị ở Thượng Hải, Trung Quốc) là một trong số nhiều người trẻ Trung Quốc bắt đầu cắt giảm chi tiêu trước tình hình tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đang tăng vọt còn thị trường bất động sản đang chững lại.
“Tôi không còn ra tiệm làm móng tay, tôi cũng không làm tóc thường xuyên nữa. Tôi đã tự đến cửa hàng mua tất cả mỹ phẩm cần thiết. Mỗi tháng tôi thường đi xem phim khoảng hai lần nhưng tôi đã bỏ thói quen đến rạp xem phim kể từ khi đại dịch xảy ra” - Fu chia sẻ.
Nếu ngày trước, Doris Fu luôn tin dùng các dòng mỹ phẩm cao cấp như Givenchy thì nay cô đã chuyển sang thương hiệu nội địa Florasis, giá thành thấp hơn khoảng 60%. Thậm chí, cô còn trì hoãn kế hoạch bán hai căn hộ nhỏ của mình để lấy một căn lớn hơn, gần hệ thống trường học tốt hơn cho con trai cô…
Lối sống tiết kiệm đang trở thành xu hướng mới của giới trẻ Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo, không khó để bắt gặp những bài quảng cáo về các mẹo cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm tiền của thanh niên đất nước tỷ dân.
Trong khi đó, chuyển đổi công việc cũng được xem là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của giới trẻ Nhật Bản. Gần đây, Naomi Yakushiji đã rời bỏ công việc làm công ăn lương của mình tại một trường dạy nấu ăn để theo đuổi nghề viết lách tự do. Cô dự định cắt giảm nhu cầu mua sắm bắt đầu từ việc ăn uống, chú trọng mua thực phẩm, trái cây theo mùa để có giá rẻ hơn.
“Tình hình kinh tế hiện tại chắc chắn khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn một chút. Tôi nghĩ chúng ta đều cần học cách thắt chặt hầu bao. Tôi đã giảm mạnh chi tiêu cho những thứ xa xỉ, chẳng hạn như quần áo, đồ trang sức, làm đẹp và các hoạt động giải trí. Tôi sẽ không tiêu nhiều tiền cho những thứ này như trước đây nữa” - Naomi nói.
Ngay cả Hàn Quốc, quốc gia có nhiều thanh thiếu niên ưa chuộng lối sống “Bạn chỉ sống một lần (Yolo)”, có thói quen tiêu xài phung phí thay vì tiết kiệm cho tương lai cũng dần cho thấy những thay đổi nhỏ trong suy nghĩ về vấn đề tiêu xài.
Sung Tae-yoon, giáo sư tại Đại học Yonsei, chia sẻ: “Đúng là ngày càng có nhiều người trẻ tuổi vung tiền vào các mặt hàng xa xỉ nhưng điều ngược lại vẫn tồn tại. Có những bạn trẻ nhận thức rõ nền kinh tế hiện nay khó khăn như thế nào, thị trường việc làm bất ổn ra sao... Do đó, nếu họ không muốn hoặc không thể dựa dẫm vào cha mẹ, họ phải cố gắng sống tiết kiệm. Mọi người cũng có thể tự do tiêu xài hoang phí nhưng đó sẽ là một quyết định tích cực khi họ chi tiêu trong khả năng của bản thân”.
Kim Ji-eun (còn được biết đến với biệt danh Kim Jjanboo trên YouTube), người thường xuyên chia sẻ mẹo tiết kiệm tiền, khiến không ít khán giả bất ngờ khi thổ lộ cô từng là một “Yolo girl”. Không phải vì khủng hoảng kinh tế hay thất nghiệp mà cô muốn tiết kiệm, đơn giản chỉ là đến một lúc, cô phát hiện ra sự hoang phí vô bổ của mình.
|
Do lương giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, giới trẻ Trung Quốc hiện bỏ dần thói quen tiêu xài phung phí - Ảnh: Reuters |
“Tôi đã từng dành phần lớn thu nhập cho việc mua sắm và đi chơi đêm. Hai năm trước, tôi nhận ra mình không có gì trong tài khoản tiết kiệm sau sáu năm đi làm. Bất giác trong tâm trí tôi lóe lên suy nghĩ: “Tôi có thực sự hạnh phúc khi tôi mua những bộ quần áo hàng hiệu?”. Sau đó, tôi nhận ra không cần phải chi tiêu chỉ để bản thân cảm thấy thỏa mãn” - Kim Ji-eun giải thích về nguyên do dẫn đến sự thay đổi trong thói quen chi tiêu.
Từ lúc thay đổi suy nghĩ, Ji-eun đã tiết kiệm được tới 88% tiền lương mỗi tháng. Nói về bí quyết, cô tâm sự luôn tự hỏi bản thân ba câu hỏi trước khi mua bất cứ thứ gì: “Đây có phải là thứ cần thiết?”, “Điều này có cải thiện chất lượng cuộc sống của mình?”, “Liệu mình có dễ nhàm chán với nó?”.
Niềm vui tiết kiệm
Không ít người vẫn coi tư tưởng tiết kiệm là chi tiêu tiêu cực nhưng hiện tại, với nhiều bạn trẻ châu Á, nhất là các nước có nền kinh tế phát triển, họ lại xem đây là niềm vui và chìa khóa an toàn cho tương lai.
Chun (sinh viên y khoa Hàn Quốc) từng vung tiền không kiểm soát cho việc ăn uống khi kiếm được công việc bán thời gian đầu tiên. Sau đó, anh rút ra kinh nghiệm và hình thành thói quen tiết kiệm. Những thay đổi này giúp ích rất nhiều cho anh sau đó.
Mỗi tuần, Chun bỏ vào tài khoản 130 USD và đảm bảo không chi tiêu vượt quá ngân sách. Song song đó, anh có một tài khoản riêng cho các chi phí cố định như tiền thuê nhà, đi lại hoặc chi phí khẩn cấp như hóa đơn viện phí. “Tôi không đặt áp lực cho bản thân phải tiết kiệm nhiều hơn nữa. Nếu tôi tình cờ tiêu xài ít trong tuần này thì tuần sau tôi sẽ thoải mái hơn khi chi tiêu cho việc ăn uống” - Chun nói.
Đồng quan điểm với Chun, Jun You-kyung ủng hộ lối sống tối giản và nhấn mạnh tiết kiệm không có nghĩa là ngừng chi tiêu hoàn toàn. Thay vào đó, cô chi tiêu cho những thứ thực sự khiến mình hạnh phúc.
|
Jun You-kyung ghi lại các khoản đã chi nhằm theo dõi việc chi tiêu của bản thân - Ảnh: Korea Joongang Daily |
“Tôi khuyên mọi người dọn dẹp tủ quần áo của họ. Sau đó, họ nhận ra bản thân sở hữu nhiều bộ quần áo họ không thích. Chúng ta tiêu quá nhiều tiền vào những việc không vừa ý, sau đó lo lắng vì không còn tiền để tiết kiệm. Thay vì vậy, chúng ta nên dành thời gian để suy nghĩ về những món đồ thực sự thiết thực. Ví dụ, thay vì mua hàng tá quần áo mà bạn không hoặc hiếm khi mặc đến, hãy mua một chiếc máy rửa chén. Thiết bị này sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá thời gian" - cô nói.
Cô thổ lộ từng cảm thấy cô đơn khi bắt đầu lối sống tinh giản, trong khi đồng nghiệp và bạn bè vung tiền vào những món đồ xa xỉ. May mắn, cảm giác này của cô không kéo dài quá lâu, nhất là khi cô thay đổi cách tiếp cận vấn đề. Không phải Jun You-kyung không thể mua chúng vì phải tiết kiệm tiền mà cô chọn không mua vì chúng không khiến cô hài lòng. Sau khi nhận ra điều đó, cô không còn cảm giác băn khoăn nữa.
Ngoài việc giúp bản thân tiết kiệm, nhiều bạn trẻ còn muốn lan tỏa xu hướng sống tinh giản đến mọi người. Lajiang (một phụ nữ Trung Quốc ở độ tuổi 20) là ví dụ điển hình. Trang mạng của cô đã thu hút được hàng trăm ngàn người theo dõi sau khi cô đăng hơn 100 video hướng dẫn nấu bữa tối với giá 10 nhân dân tệ (khoảng 1,45 USD).
Thậm chí, mọi người trên mạng xã hội Trung Quốc vẫn đang tích cực thảo luận về các mẹo tiết kiệm tiền và mở các cuộc thi nhằm lan tỏa tinh thần tiết kiệm, chẳng hạn như thử thách “chỉ tiêu 1.600 nhân dân tệ trong một tháng” tại Thượng Hải - một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc.
Theo phụ nữ TPHCM