Mùa hè năm nay, Jeong Hong-woo, kiến trúc sư 33 tuổi, mua chiếc xe hơi đầu tiên của Mercedes-Benz. Đây là một lựa chọn bất ngờ vì lâu nay Jeong vẫn quan niệm dòng xe nhập khẩu đắt đỏ này chỉ dành cho đàn ông trung niên thành đạt.

"Nhiều đồng nghiệp và bạn bè của tôi gần đây đã chọn các thương hiệu nước ngoài, và tôi bắt đầu hứng thú với chúng. Chiếc xe này hơi đắt, nhưng tôi muốn một cái gì đó đặc biệt. Nó thực sự đáng đồng tiền và khiến tôi hài lòng", anh nói.

Giới trẻ Hàn Quốc quan tâm nhiều hơn đến các dòng xe nhập khẩu đắt đỏ. Ảnh: Twitter.

Jeong giải thích thêm rằng anh có đủ tiền mua xe sang vì bản thân không có kế hoạch kết hôn trong vài năm tới và mua nhà không phải là ưu tiên ở thời điểm này.

Ngoài ra, anh chàng 33 tuổi cũng đã tiết kiệm được một khoản kha khá nhờ không đi du lịch châu Âu trong năm nay như đã dự định.

Xe cộ trở thành niềm hạnh phúc


Theo Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối ôtô Hàn Quốc (KAIDA), những người khoảng 30 tuổi chiếm thị phần lớn nhất, 33%, trong thị trường xe nhập khẩu vào năm ngoái, tiếp theo là những người ở độ tuổi 40 với 31,7% và những người khoảng 50 tuổi với 19,6%. Những người ở nhóm tuổi 20 chỉ chiếm 5,8% tổng số người mua ôtô nhập khẩu vào năm 2019.

Trong nhiều năm qua, tổng số xe hơi, cả thương hiệu trong và nước ngoài, được khách hàng ở độ tuổi 20 và 30 mua liên tục giảm. Nhưng tỷ lệ ôtô nước ngoài trong số đó đã tăng từ 27,2% năm 2016 lên 28,5% năm 2017. Năm 2018, con số này tiếp tục tăng lên 31%, theo dữ liệu của KAIDA và Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc (KAMA).

Một số người nói rằng thế hệ trẻ ưa chuộng các thương hiệu xe nước ngoài nói riêng và hàng xa xỉ nói chung vì mong muốn phô trương sự giàu có trên mạng xã hội.

Các câu chuyện về "người nghèo mua xe hơi", đề cập đến những thanh niên 20-30 tuổi sở hữu một chiếc xe hơi đắt tiền trong khi chật vật kiếm sống, thường gây xôn xao dư luận.

Thanh niên Hàn Quốc khoe ôtô đắt tiền với chú thích xe nhập khẩu trên mạng xã hội. Ảnh: Instagram.

Tuy nhiên, những khách hàng trẻ tuổi lại cho rằng đó chỉ là quyết định cá nhân tại thời điểm có nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống.

Park Yoon-soo, 35 tuổi, nói: "Tôi không nghĩ lựa chọn của mình là để che mắt người khác. Dù vậy, sự chú ý từ mọi người không phải là xấu".

Park đã mua một chiếc xe của Audi vào tháng 6 để thay thế chiếc xe cũ thuộc thương hiệu địa phương được cha anh tặng nhiều năm trước.

"Bây giờ tôi cảm thấy mình đã trưởng thành. Tôi chỉ muốn tận hưởng cuộc sống độc thân một cách trọn vẹn nhất. Chiếc xe này là niềm hạnh phúc tối đa mà tôi có thể đạt được trong khả năng của mình", nhân viên văn phòng nói.

Món đồ phải có


Nhiều người cho rằng việc khoe khoang hàng xa xỉ - biểu tượng của sự giàu có - là một cách để che giấu sự bất an và thất vọng với thực tế khắc nghiệt.

Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, nói: "Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều người có xu hướng tập trung vào 'ở đây và bây giờ' hơn là tương lai không chắc chắn, và ôtô đã trở thành một thứ giống như ‘món đồ phải có’ đối với giới trẻ".

Giáo sư Kwak nói thêm rằng tinh thần cạnh tranh hay tâm lý đám đông dường như duy trì sự phổ biến của các thương hiệu xe nước ngoài tại Hàn Quốc.

Giá nhà đất ở xứ củ sâm, đặc biệt là ở Seoul và một số thành phố đông đúc, đã tăng nhanh chóng trong vài năm qua.

Dữ liệu của Ngân hàng KB Kookmin cho thấy giá trung bình của một căn hộ ở Seoul lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ won (863.558 USD) vào tháng 9 năm nay, một bước nhảy vọt so với mức giá 600 triệu won (524.706 USD) vào tháng 3/2017.

Số lượng người Hàn Quốc kết hôn đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào năm ngoái. Độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới và phụ nữ đạt mức cao kỷ lục lần lượt là 33,4 và 30,6, tăng gần hai tuổi trong một thập kỷ, theo số liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc.

"Tôi không nghĩ rằng việc mua một chiếc ôtô rẻ hơn sẽ giúp mình mua được nhà dễ dàng. Chúng tôi đã kết hôn vào năm ngoái và ở nhà thuê, nhưng chúng tôi không quá vội vàng để có một ngôi nhà cho riêng mình. Đó là một giấc mơ khó thành hiện thực", Lee Hye-jin, giáo viên 39 tuổi tại một trường luyện thi, nói.

Nhiều cặp vợ chồng đã nhanh chóng mua một chiếc xe mới vì gần đây họ bắt đầu thích cắm trại. Dù không có con, họ thường lựa chọn một chiếc Peugeot SUV 7 chỗ.

Doanh số bán xe nhập khẩu với nhóm khách hàng trẻ tuổi ở Hàn Quốc không bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Thay vào đó, đại dịch dường như còn kích thích người trẻ mua nhiều hơn.

Nửa đầu năm nay, số lượng người mua ôtô trong độ tuổi 20 và 30 đánh dấu sự tăng trưởng lần đầu tiên sau 4 năm. Theo dữ liệu của KAIDA và KAMA, trong số 80.195 cá nhân đã mua ôtô nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 6, hơn 35% thuộc nhóm tuổi này.

"Một phần là nhờ các chính sách ưu đãi thuế của chính phủ. Ngoài ra, Covid-19 khiến mọi người muốn không gian an toàn cho riêng mình. Du lịch trong nước thay vì đi ra nước ngoài trong bối cảnh đại dịch cũng thúc đẩy nhu cầu mua xe", giáo sư Kim Pil-soo tại Đại học Daelim nói.

Với mục tiêu phục vụ tốt hơn cho khách hàng trẻ tuổi, các thương hiệu nước ngoài đã tích cực tiếp thị và tung ra nhiều dòng xe mới.

Một nhân viên tại đại lý BMW ở Seoul cho biết sự cạnh tranh khá gay gắt, đặc biệt ở "thị trường gia nhập" - nơi những người mua xe lần đầu tiên - vì lựa chọn đầu tiên của họ được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến lòng trung thành với thương hiệu.

"Nhiều thương hiệu đang chuyển sang mở rộng các sản phẩm hiệu quả và phong cách để phục vụ tốt hơn cho những khách hàng trẻ tuổi, am hiểu về ôtô", người này nói.

Theo  Zing