Kim Hyun-jin chúi mũi vào chiếc điện thoại, với hai ngón tay cái bấm liên tục trên màn hình để quét bản đồ vaccine trực tuyến ở Seoul (Hàn Quốc). Cô hy vọng sẽ săn được suất tiêm thừa ai đó bỏ sót, theo Reuters.

Nhưng sau 10 ngày nỗ lực, cô gái 32 tuổi vẫn chưa tìm thấy suất tiêm nào bởi vaccine Covid-19 đang khan hiếm. Trong khi đó, số ca dương tính nCoV mới tại Seoul tăng mạnh từ tuần trước và lập kỷ lục mới mỗi ngày.

                                             Kim Hyun-jin đang cố gắng tìm suất tiêm vaccine còn sót lại. Ảnh: Reuters.


“Đây giống như một cuộc chiến vậy. Không có suất tiêm nào dù tôi có ‘điên cuồng’ quét bản đồ tới đâu. Tôi rất tức giận, vô vọng và cảm thấy lãng phí thời gian”, Kim nói, đồng thời giơ điện thoại ra, hiển thị một bản đồ không có suất tiêm vaccine Covid-19 nào ở miền nam Seoul.

Kim là một trong số nhiều thanh niên Hàn Quốc cảm thấy bất công khi bị chính phủ coi là nguyên nhân chính gây ra đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay do các hoạt động xã hội của họ.

Song, chính phủ lại ưu tiên phân phối vaccine cho nhóm người già, dễ bị tổn thương.

“Tôi sẽ chẳng phải ôm điện thoại nếu ngay từ đầu giới chức có đủ vaccine, theo đó dịch cũng không bùng phát lại”, Kim cho biết.

Nhiều bài đăng trên Kopas, một diễn đàn trực tuyến dành cho sinh viên ĐH Hàn Quốc, cáo buộc chính phủ nước này không đảm bảo đủ liều vaccine hơn, đồng thời biến thanh niên thành “vật tế thần”. Dưới những bài viết này là vô số bình luận bày tỏ sự ủng hộ.

“Thật đáng buồn và bất công khi giới chức đổ lỗi cho chúng tôi làm lây lan Covid-19, trong khi chẳng có cách nào để chúng tôi có thể tiêm vaccine”, Nam Yu-ra, một cô gái ngoài 20 tuổi cũng chung hoàn cảnh với Kim, cho biết.

                                             Bản đồ vaccine Covid-19 trực tuyến ở Seoul kín chỗ tiêm. Ảnh: Reuters.


Ngày 14/7, Lee Ki-il, Thứ trưởng Bộ Chính sách Y tế, cho biết Hàn Quốc sẽ nhận thêm nhiều lô vaccine vào tháng 8 và tiến hành tiêm chủng cho mọi người dân đủ điều kiện vào cuối tháng 9, bao gồm cả thanh niên.

Hàn Quốc được coi đã kiểm soát thành công Covid-19 nhờ hệ thống xét nghiệm và truy vết hàng loạt mà không cần các biện pháp phong tỏa nghiêm trọng. Hiện đất nước 52 triệu dân chỉ ghi nhận hơn 175.000 ca nhiễm và 2.051 trường hợp tử vong.

Theo các thỏa thuận đã ký, Hàn Quốc mua đủ liều vaccine cho gấp 2 lần dân số. Song, chiến dịch bị trì hoãn trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thiếu hụt và giao hàng chậm trễ.

Chỉ 30.000 người được tiêm mỗi ngày, giảm mạnh so với 850.000 người hồi đầu tháng 6, theo dữ liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc.

Tính đến ngày 15/7, chỉ 31,1% người dân xứ kim chi nhận được ít nhất một liều vaccine, thấp hơn rất nhiều so với mức 60% ở các quốc gia phát triển khác như Anh hay Singapore.

                                             Nhân viên y tế xịt khuẩn trên đường phố Seoul. Ảnh: AP.


Với những bạn trẻ đã tiêm vaccine, họ nhẹ nhõm hơn nhưng vẫn cảm thấy thất vọng vì chiến dịch tiêm chủng triển khai chậm trễ.

Kim Ha-ram (21 tuổi) nở nụ cười rạng rỡ khi khoe màn hình điện thoại hiển thị dấu tích đánh dấu tình trạng tiêm chủng của mình.

Nữ sinh viên cho biết cô may mắn giành được một liều Pfizer còn sót lại trước khi các ca dương tính tăng vọt và “cơn sốt” săn vaccine bùng phát.

“Những người ở độ tuổi 20-30 như chúng tôi thực sự giao tiếp xã hội nhiều, do đó cũng nên cảnh giác với việc ra đường chơi và nhậu nhẹt. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng là nạn nhân lớn nhất của nguồn cung vaccine không ổn định tại Hàn Quốc”, Kim nói thêm.

Theo Zing