Ngày 14/3 có thể là một ngày chủ nhật bình thường đối với người dân ở nhiều quốc gia khác, nhưng hàng loạt các cặp vợ chồng Trung Quốc lại xem đây là một "phước lành do thượng đế ban tặng", theo Global Times.
Ngày này còn được gọi là "ngày trọn đời", một dịp ý nghĩa để đăng ký kết hôn vì 4 con số cuối cùng của dãy 2021314 có cách đọc gần giống với từ "trọn đời" trong tiếng Trung.
Do nhu cầu tăng mạnh, các cơ quan quản lý dân sự, phụ trách đăng ký kết hôn, ở nhiều nơi trên cả nước buộc phải làm thêm giờ.
|
Các đôi vợ chồng Trung Quốc rất quan trọng ngày đăng ký kết hôn. Ảnh:News China. |
Văn phòng dân sự ở những nơi như Tân Tập ở tỉnh Hà Bắc, Trịnh Châu ở Hà Nam, Mã An Sơn ở An Huy và Bàn Cẩm ở Liêu Ninh đều tiếp nhận đăng ký kết hôn vào chủ nhật, 14/3.
Văn phòng dân sự ở Hành Dương, Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, cũng thông báo hôm thứ 7 rằng bên cạnh ngày 14/3, họ cũng sẽ làm thêm giờ vào một số dịp đặc biệt khác như ngày cộng sinh may mắn, 6/6, với ý nghĩa là mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp.
Tuy nhiên, vào đầu tháng này, các văn phòng dân sự ở Hoài Hóa, Hồ Nam, đã từ chối làm thêm giờ vào ngày 14/3. Sự việc làm dấy lên một số cuộc tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc.
Nhiều người ca ngợi quyết định làm thêm giờ của nhà chức trách. Họ bày tỏ sự cảm ơn khi nguyện vọng của mình được đáp ứng.
"Đây là một cử chỉ đặc biệt ấm áp và đáng khích lệ sau đợt bùng phát Covid-19 trầm trọng khiến nhiều người phải trì hoãn việc kết hôn, bên cạnh tỷ lệ kết hôn liên tục giảm trong giới trẻ Trung Quốc trong những năm gần đây", một số cư dân mạng cho biết.
Tuy nhiên, số khác lại tỏ ra nghi ngờ "sự tử tế" này. Liệu những người làm việc tại văn phòng đăng ký kết hôn có thực sự tự nguyện hay bị ép buộc làm thêm giờ?
"Những người này cũng có quyền được nghỉ ngơi vào cuối tuần. Việc yêu cầu họ làm thêm giờ chỉ vì một quan niệm ngày may mắn không rõ ràng là quá vô lý", một người viết.
"Tình yêu đích thực chứ không phải là những ngày may mắn mới đảm bảo cho hôn nhân trọn đời", người khác nhận định.
Theo Zing