Sáng 5/12, Google Doodle đổi từ giao diện thường ngày sang tranh vẽ các nghệ nhân đờn ca tài tử đang trình diễn. Tranh vẽ do Camelia Pham thực hiện với gam màu sáng. Trong tranh có 6 nghệ nhân gồm 3 nam, 3 nữ đều mặc áo dài truyền thống, cầm các loại nhạc cụ khác nhau.

Cách đây 10 năm, vào ngày 5/12/2013, UNESCO đã công nhận loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Do đó, Google dùng tranh vẽ để tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử của người Việt.

Bức tranh tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử do Camelia Pham thực hiện.
Bức tranh tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử do Camelia Pham thực hiện


Trong lời giới thiệu về nghệ thuật đơn ca tài tử, Google cho biết loại hình này xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nghi lễ và âm nhạc cung đình Huế. Đờn ca tài tử là sự hòa hợp giữa các loại nhạc cụ để tạo nên giai điệu và thường phổ biến ở miền Nam. Dàn nhạc đờn ca tài tử có thể bao gồm sáo, đàn tỳ bà, đàn tam thập lục...

Đờn ca tài tử được biểu diễn theo nhóm, xuất hiện trong nhiều dịp quan trọng trong đời sống của người dân, trở thành món quà tinh thần không thể thiếu, kết nối cộng đồng nhiều thế hệ.  

Trong các dịp tôn vinh, Google từng gây ra cuộc tranh cãi với Doodle về nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - con gái cụ Đồ Chiểu. Trước đó, vào ngày 1/2/2023, Google Doodle đăng bức tranh họa sĩ Camelia Pham vẽ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Tranh vẽ tạo cuộc tranh luận lớn, cho rằng người phụ nữ mà Camelia Pham vẽ không phải là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. 

Họa sĩ Camelia Pham thừa nhận có sai sót khi sử dụng tư liệu hình ảnh, dẫn đến người tôn vinh không phải bà Sương Nguyệt Anh mà nhầm lẫn sang người khác. Camelia Pham đã lên tiếng xin lỗi, mong được bỏ qua sai sót.

Google Doodle là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com (hay Google tiếng Việt - Google.com.vn) nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại.

Trên trang chủ Google tiếng Việt từ năm 2003 đến nay đã có nhiều tác phẩm Doodle tôn vinh nét văn hóa đặc trưng tại Việt Nam cũng như kỷ niệm những ngày lễ truyền thống như: Ngày Nhà giáo Việt Nam, tết Trung thu, tết Nguyên đán, ngày Quốc khánh, các nhân vật đặc biệt như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh, họa sĩ Bùi Xuân Phái…

Theo phụ nữ TPHCM