Người dân uống cà phê dọc theo những con kênh ở Hà Lan.

Nếu đi dạo quanh những con đường đầy nắng của Amsterdam dịp này, bạn sẽ thấy ở đây có điều gì đó rất lạ. Tiếng cười vẫn phát ra từ những chiếc xà lan dọc theo các con kênh nổi tiếng, người đi xe đạp ùa kín khắp mọi nẻo đường, cửa hàng cắt tóc vẫn bận rộn, người mua sắm ồ ạt vào các cửa hàng sang trọng. Bạn cũng có thể nghe thấy giọng nói của rất nhiều khách du lịch trong các quán bar và nhà hàng, những tiệm cà phê tấp nập người trò chuyện.

Ở đất nước này dường như đang được quay ngược thời gian, trở về với nhịp sống ồn ã trước đại dịch, nơi không có những đám đông với khuôn mặt được che bằng khẩu trang. Trong khi 120 quốc gia trên thế giới, bao gồm phần lớn nước châu Âu, đã yêu cầu công nhân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, thì người Hà Lan lại làm điều khác biệt.

Các nhà khoa học ở quốc gia này cho rằng, không có một dữ liệu nghiên cứu nào cho thấy việc sử dụng khẩu trang có thể ngăn dịch bệnh. "Đeo khẩu trang ở nơi công cộng là không cần thiết, thậm chí còn có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực", Coen Berends - phát ngôn viên của Viện Sức khỏe Cộng đồng và Môi trường Quốc gia cho biết.

Bất chấp việc làn sóng thứ hai của Covid-19 đang quét qua tất cả quốc gia, khiến Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức... phải đồng loạt ra thông báo về việc đeo khẩu trang ở các cửa hàng, siêu thị, nhà ga, Hà Lan vẫn đứng ngoài cuộc.

"Tôi ghét dùng khẩu trang", Aicha Meziati, 29 tuổi, chia sẻ với The Mail. "Chúng trông thật kinh khủng, giống như người ta đeo tã lót lên mặt vậy". Margriet, một nhân viên bán đồ uống, cũng cho rằng, việc đeo khẩu trang khiến họ khó nhận biết được cảm xúc của người đối diện. "Tôi sẽ giao tiếp với mọi người dễ dàng hơn khi không đeo khẩu trang", cô gái 24 tuổi nói.

Cảnh đông đúc trên một con phố ở Amsterdam, hôm 25/7.

Outbreak Management Team, một nhóm chuyên gia tư vấn cho chính phủ, nhiều lần khẳng định không phải khẩu trang, mà ba điều này mới giúp giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19, đó là rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách 1,5 m và ở nhà khi có các dấu hiệu của bệnh. Chỉ trừ trên các phương tiện công cộng, khẩu trang mới bắt buộc vì mọi người không thể giữ khoảng cách tối thiểu với nhau.

Christian Hoebe, giáo sư chuyên bệnh truyền nhiễm ở Maastricht, thành viên của nhóm cố vấn khẳng định, không nên xem việc đeo khẩu trang như một "viên đạn ma thuật" để ngăn chặn sự lây lan. "Bạn phải cẩn thận với khẩu trang vì có thể mang lại cảm giác an toàn sai lầm. Mọi người sẽ nghĩ họ miễn dịch với bệnh tật, không giãn cách xã hội. Điều đó rất tiêu cực", ông nói.

Thực tế có rất nhiều người sử dụng khẩu trang sai cách. Họ không thay khẩu trang thường xuyên, thậm chí đeo xuống dưới mũi và cằm. Một số người dùng xong không giặt hay bỏ đi mà nhét luôn vào túi xách.

Như nhiều quốc gia châu Âu, Hà Lan chứng kiến sự gia tăng đáng báo động gần đây về các ca nhiễm Covid-19. Trong hai tuần qua, số ca nhiễm tăng gấp đôi lên 1.329 trường hợp, tỷ lệ nhập viện và tử vong cũng cao hơn. Tuy nhiên, nhóm cố vấn của nội các nói rằng điều này xảy ra vì các nhóm người lây lan cho nhau trong các buổi tiệc, họp mặt. Một ổ dịch khác xuất phát từ một quán bar ở Hilleermo, gần Amsterdam, nơi ông chủ nói khách hàng có thể ngồi gần nhau, bắt tay và ôm nhau vì virus không hoạt động. Quán bar này sau đó đã bị đóng cửa.

Người dân, khách du lịch tấp nập ở Amsterdam, ngày 23/7.

Nhà văn Hà Lan Ben Coates cho biết, ở đất nước này, tốc độ cuộc sống vẫn bình thường. Công dân Hà Lan tin tưởng vào chính phủ, đồng thời cũng có bản năng tự do mạnh mẽ. Họ có thể chọn việc đeo khẩu trang hay không, giống như việc đạp xe có đội mũ bảo hiểm hay không, hoặc như qua đêm với ai mà họ muốn. Ở đất nước này, những người đeo khẩu trang xuất hiện trên đường phố, chỉ có thể là khách du lịch.

Hà Lan, đất nước có 17 triệu dân, đã ghi nhận hơn 54.000 người nhiễm virus, trong đó có hơn 6.000 ca tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên không như các nước láng giềng, họ không chọn biện pháp phong tỏa.

Theo ione