Kim Seung-pyo (33 tuổi) và Do Ara (31 tuổi) vừa kỷ niệm một năm kết hôn. Hai vợ chồng đã có công việc ổn định và căn hộ riêng. Họ có vẻ đã đủ điều kiện để xây dựng gia đình nhỏ. Thế nhưng, hai vợ chồng chưa có ý định mang thai.
“Tôi rất thích lũ trẻ. Mơ ước của tôi là có 3 đứa con. Nhưng khi bước chân vào hôn nhân, tôi mới nhận ra thực tế cuộc sống là như thế nào. Hai vợ chồng hầu như chỉ kiếm đủ sống, vì vậy chúng tôi không biết có đủ khả năng nuôi dạy một đứa trẻ hay không”, Kim, tài xế giao hàng, chia sẻ.
|
Áp lực tài chính để nuôi dạy một đứa trẻ ở Hàn Quốc khiến nhiều gia đình quyết định không sinh con. Ảnh:123rf. |
Ngoài ra, họ cũng chưa quyết định được ai sẽ là người ở nhà trông con. “Gia đình hai bên mong đợi rằng vợ tôi sẽ trở thành người nội trợ toàn thời gian để chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, cô ấy cần duy trì sự nghiệp cá nhân”, anh nói.
Do Ara là giáo viên mẫu giáo. Hiện cô học thêm để lấy bằng cấp trong lĩnh vực tư vấn nhằm tìm một công việc tốt hơn, nhiều quyền lợi hơn.
Sau khi thảo luận, hai vợ chồng thống nhất sẽ có một đứa con duy nhất, thay vì 3 nhóc tì như mơ ước của Kim. Tuy nhiên, họ cũng sẵn sàng cho một tương lai không sinh đứa nào cả.
Trên thực tế, Kim và Do không phải cặp duy nhất ở Hàn Quốc trì hoãn hoặc gạt bỏ hoàn toàn kế hoạch sinh đẻ. Theo thống kê, có tới 40% trên tổng số gần 1 triệu đôi vợ chồng ở xứ sở kim chi kết hôn lần đầu tiên từ năm 2015-2019 quyết định không có con.
Chi phí nuôi dạy trẻ quá cao
Hàn Quốc trở thành quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới vào năm 2019, chỉ còn 0,92 đứa bé/phụ nữ, trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước OECD là 1,65. Trong quý 3 năm 2020, con số này thậm chí tiếp tục giảm xuống còn 0,84.
Những thống kê đáng báo động này buộc Ủy ban về Chính sách Dân số và Xã hội Hàn Quốc, do Tổng thống Moon Jae-in làm chủ tịch, phải ban hành biện pháp chưa từng có để cải thiện tình hình.
|
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh:Adobe. |
Tuần qua, Ủy ban công bố Kế hoạch cơ bản lần thứ 4, có hiệu lực từ năm 2021-2025. Cụ thể, bắt đầu từ năm 2022, mỗi gia đình sinh con sẽ được thưởng 2 triệu won (hơn 1.800 USD), đồng thời nhận hỗ trợ mỗi tháng từ 300.000-500.000 won (274-457 USD) mỗi tháng cho đến khi đứa bé tròn 1 tuổi.
Các cặp vợ chồng cũng sẽ được nhận bảo hiểm hàng tháng tối đa 3 triệu won (hơn 2.740 USD) trong vòng 3 tháng nghỉ phép chăm sóc trẻ sơ sinh.
Năm 2019, Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc thực hiện một cuộc khảo sát đối với nam giới và phụ nữ 19-49 tuổi. Kết quả cho thấy tình hình bất ổn kinh tế và khó khăn nuôi dạy con là lý do lớn nhất khiến họ quyết định không có con, lần lượt chiếm 37,4% và 25,3%.
Việc chưa có nhà ở phù hợp và không hài lòng với các dịch vụ chăm sóc trẻ con là những lý do tiếp theo, chiếm 10,3% và 8,3%.
Yang Seung-hae (51 tuổi), giáo viên ở thành phố Wonju, buộc phải kiếm việc làm thêm để có thể trả chi phí học thêm của 2 đứa con của cô. Yang cho biết trung bình mỗi học sinh tiểu học tại Hàn Quốc tham gia 5 trung tâm học thêm, từ các môn cơ bản như toán, văn đến những hoạt động ngoại khóa như bơi lội, chơi piano.
“Tất cả đều cần thiết để con cái có thể đậu vào một trường đại học tốt”, nữ giáo viên chia sẻ.
|
Học sinh Hàn Quốc chuẩn bị cho kỳ thi đại học từ khi vào lớp 1. Ảnh:SCMP. |
Năm 2019, trung bình khoảng 92,5 triệu won (83.700 USD) là chi phí cơ bản cho 6 năm THCS của một học sinh trường tư ở xứ sở kim chi, theo tính toán của tờ JoongAng Ilbo.
Bên cạnh đó, Yang cho biết các bà mẹ Hàn Quốc cũng dễ bị trầm cảm sau sinh bởi họ phải chăm sóc con cái lẫn gia đình. Trong khi đó, đàn ông xứ sở kim chi thường tảng lờ trách nhiệm này do quan niệm trọng nam khinh nữ vốn ăn sâu bám rễ xã hội.
Giải pháp chưa triệt để
Cho Young-tae, giáo sư ngành y tế công cộng tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng chính phủ đã thất bại trong các cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra tỷ lệ sinh thấp.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Seoul Economic Daily, ông đã so sánh hai vấn đề nổi bật của quốc gia này: Trong khi giá bất động sản tăng mạnh, tỷ lệ sinh giảm lại trầm trọng.
“Cả hai vấn đề này xảy ra do mật độ dân số quá dày đặc. Theo đó, sự cạnh tranh về các nguồn lực trở nên hạn chế và gay gắt hơn. Bản năng sinh tồn của con người được đặt lên trên nhu cầu sinh sản”, giáo sư nói.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới, với tỷ lệ 510,96 người/km2. Trong đó, hơn 1/2 trên tổng số 50 triệu cư dân sống trong khu vực bao quanh thủ đô Seoul.
“Để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp, chính phủ phải hiểu được sự cạnh tranh khắc nghiệt mà thế hệ trẻ phải đối mặt, từ đó đưa ra các chính sách làm giảm động lực di cư đến Seoul. Chúng ta không nên chỉ tập trung vào việc mở rộng các chính sách phúc lợi”, ông Cho nói thêm.
|
Chính quyền cần thiết tập trung vào chất lượng cuộc sống của người dân hơn là nhu cầu sinh con. Ảnh:Reuters. |
Các chuyên gia hàng đầu trong Hiệp hội Dân số Hàn Quốc cũng chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ đối với vấn nạn này.
Trong một diễn đàn mở do Bộ Y tế Hàn Quốc tổ chức hồi tháng 8, Park Keong-suk, giáo sư Xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, nhấn mạnh sự cần thiết tập trung vào chất lượng cuộc sống của người dân hơn là nhu cầu sinh con.
“Chúng ta cần tập trung vào việc khôi phục một môi trường giúp làm tăng tỷ lệ sinh thay vì chỉ coi con người là ‘công cụ’ tăng dân số, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, khi tình trạng thất nghiệp gia tăng và thiếu hoạt động xã hội từ giới trẻ”, bà nói.
Jun Kwang-hee, giáo sư đến từ Đại học Quốc gia Chungnam, có cái nhìn bi quan hơn về vấn nạn tỷ lệ sinh thấp.
"Tôi e rằng nếu không hành động quyết liệt, Hàn Quốc sẽ khó lòng tồn tại trong tương lai. Các biện pháp hiện nay chỉ áp dụng đối với những gia đình chưa có con. Chính phủ cần áp dụng các cách thức khác mạnh mẽ hơn”.
Theo tính toán của giáo sư, với tốc độ hiện tại, dân số Hàn Quốc chắc chắn sẽ đạt mức thấp khủng khiếp trong tương lai. Kể từ tháng 11/2019, số ca tử vong hàng tháng cao hơn hẳn số trẻ sơ sinh. Do đó, ông đề xuất mức thưởng lên 100 triệu won (90.295 USD) cho mỗi ca sinh mới.
Tuy nhiên, đối với vợ chồng Kim, người từng ước mơ sinh 3 đứa con, không mấy để tâm đến các khoản hỗ trợ của chính phủ.
“Chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm chỉ để có thêm vài trăm won vào tài khoản ngân hàng. Nhưng nếu mức thưởng lên tới 100 triệu won, có thể chúng tôi sẽ suy nghĩ lại”, anh nói.
Theo Zing