Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho những phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II
Cập nhật lúc 14:49, Thứ sáu, 08/01/2021 (GMT+7)
Ngày 8/1, tòa án Hàn Quốc yêu cầu chính phủ Nhật Bản bồi thường cho 12 nô lệ tình dục trong Thế chiến II hoặc gia đình của họ - một phán quyết chưa từng có dễ làm rạn nứt mối quan hệ song phương.
Người biểu tình tập trung xung quanh một bức tượng trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul vào tháng 8/2020, đòi bồi thường cho những nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, Tòa án quận trung tâm Seoul đã ra phán quyết rằng Nhật Bản phải trả cho các nạn nhân 100 triệu won (91.000 USD) mỗi người.
Đây là vụ án dân sự đầu tiên ở Hàn Quốc chống lại Tokyo về các nô lệ tình dục thời chiến cho quân đội Nhật Bản, những người được gọi một cách hoa mỹ là "phụ nữ giải sầu".
Các nhà sử học chính thống cho biết có tới 200.000 phụ nữ, chủ yếu đến từ Hàn Quốc và các khu vực khác của châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ II.
Phán quyết hôm thứ Sáu (8/1) được đưa ra trong một quy trình pháp lý bắt đầu cách đây tám năm và một số nguyên đơn ban đầu đã chết, họ được các thành viên gia đình đại diện.
Tokyo tẩy chay thủ tục tố tụng và khẳng định tất cả các vấn đề bồi thường xuất phát từ chế độ thuộc địa của họ đã được giải quyết trong một hiệp ước năm 1965, cũng như thỏa thuận liên kết bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa các nước láng giềng.
Theo họ, Nhật Bản đã trả các khoản bồi thường tài chính cho Hàn Quốc - mà Seoul đã sử dụng để đóng góp vào việc chuyển đổi thành một cường quốc kinh tế - và tài liệu cho biết rằng những yêu sách giữa các quốc gia và công dân của họ đã được "giải quyết hoàn toàn và triệt để".
Chính phủ Nhật Bản phủ nhận việc họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho các vụ lạm dụng thời chiến, nhấn mạnh rằng các nạn nhân là dân thường và các nhà thổ quân sự được vận hành vì mục đích thương mại.
Tranh chấp đã trở nên căng thẳng bất chấp hiệp ước. Dù Seoul và Tokyo đã đạt được một thỏa thuận vào năm 2015 nhằm giải quyết "trọn vẹn và không thể đảo ngược", với một lời xin lỗi của Nhật Bản và lập ra quỹ 1 tỷ yen cho những người sống sót.
Nhưng chính phủ của ông Moon tuyên bố thỏa thuận đạt được dưới thời người tiền nhiệm bảo thủ của ông là sai và đã vô hiệu hóa nó, với lý do thiếu sự đồng ý của các nạn nhân.
Động thái này dẫn đến một cuộc tranh chấp ngoại giao gay gắt và lan rộng ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và an ninh.
Một phiên tòa tương tự sẽ ra phán quyết vào tuần tới đối với một vụ án do 20 phụ nữ khác và gia đình họ khởi kiện ở Tokyo.
Theo phunuonline