Đám đông, hầu hết là thanh niên, sau khi nghe các diễn giả phát biểu, đã tuần hành đến công viên Karlsplatz ở trung tâm thành phố Vienna hôm 4/6. Cảnh sát Vienna cho hay 50.000 người đã tham dự sự kiện.
Một số người cho rằng đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Vienna nhiều năm qua.
"Nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, trong đó có Áo. Chúng ta phải ngăn chặn nó", Katharina Kohl, một nữ sinh 21 tuổi, nói khi cầm biểu ngữ "Thù ghét không phải là một quan điểm".
Phần lớn người biểu tình tụ tập sát nhau, không tuân thủ các biện pháp giãn cách nhằm ngăn chặn nCoV lây lan, nhưng nhiều người đeo khẩu trang.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hôm 25/5, sau đó lan rộng nhiều nước trên thế giới như Anh, Đức, Canada, Pháp, Australia...
Tranh cãi về các hành vi bạo lực của cảnh sát hiếm khi xảy ra tại Áo, nhưng năm ngoái, giới chức đã mở cuộc điều tra về việc một số sĩ quan bị cáo buộc lạm quyền trong khi bắt người biểu tình chống biến đổi khí hậu. Nạn phân biệt chủng tộc ở Áo gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận, chủ yếu do những bình luận kích động từ các nghị sĩ của đảng cực hữu FPOe.
Biểu tình đòi công lý cho người da màu vẫn tiếp diễn khắp nước Mỹ trong ngày 4/6, nhưng đa phần ôn hòa thay vì bạo loạn, cướp phá như trước đó.
Derek Chauvin, 44 tuổi, người trực tiếp ghì gối lên gáy Floyd khiến anh tử vong, đã bị sa thải và bị truy tố tội giết người cấp độ hai. Ba đồng nghiệp của Chauvin bị truy tố tội hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi này, với mức án tù tối đa 40 năm.
Theo vnexpress